Với nhiều người, có lẽ mùa Giáng Sinh là mùa đẹp nhất trong năm. Vượt lên trên ý nghĩa của tôn giáo, lễ Giáng Sinh trở thành ngày lễ chung và mang đến niềm vui đến tất thảy mọi người. Đây mà mùa mang đến những màu đỏ rộn vui và màu xanh của hy vọng.
Màu xanh cũng là màu trong ca khúc nhạc Giáng sinh bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: “Màu Xanh Noel”. Ông cũng là tác giả của ca khúc rất quen thuộc trong Mùa Giáng Sinh là nhạc phẩm “Mùa Sao Sáng” suốt từ nửa thế kỷ qua.
Nhạc phẩm “Màu Xanh Noel” được nhạc sĩ Đông viết ở âm thể Trưởng nhưng lại thoáng nét buồn, buồn man mác…
Lệ Thu hát Màu Xanh Noel
Ca khúc “Màu Xanh Noel” nói về tâm trạng của một cô gái yêu một người lính. Hai người đã cùng thề hẹn gặp nhau vào dịp Noel – một thực tế của thời chiến: “Mùa giáng sinh xưa anh hẹn anh sẽ về, ngày đó Noel bên hội sao trần thế”. Nhưng chàng đã trễ hẹn, không phải chàng quên lời hứa tình yêu với nàng mà vì chiến cuộc. Nàng thầm hỏi với chút hờn dỗi của người đang yêu:
“Anh có nhớ không anh?
Em mặc màu áo xanh lam,
Xanh như liễu Đà-lạt,
Một chiều Đông Giáng Sinh”.
Màu áo xanh lam là “đặc điểm tình yêu” của họ, nhưng phải là “xanh như liễu Đà-lạt” mới được.
Màu xanh của thi sĩ Nguyên Sa lại “xanh màu lá sân trường”. Ông cũng đã từng si mê màu áo xanh nên ông so sánh: “Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường”. Có lẽ nhiều người thích màu xanh vì nó là biểu tượng của niềm hy vọng, màu xanh kỳ diệu.
Nàng biết chàng lỡ hẹn nhưng nàng vẫn hy vọng và nhớ lại đêm Giáng Sinh năm xưa:
“Ngồi chờ rê-vây-dông (réveillons, canh thức),
Anh kể tích xưa rằng, vào một đêm giá lạnh,
Rợp trời hào quang thiên thần,
Và nơi hang BeLem,
Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời”.
Có lẽ nàng là người ngoại đạo, còn chàng là người có đạo, thế nên chàng mới kể cho nàng nghe “cổ tích” về Thiên Chúa, và chàng khẳng định bằng đức tin: “Nơi hang BeLem, Thiên Chúa sinh trên máng cỏ là Con Chúa Trời”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói vậy là ông đã truyền giáo đấy.
Kỷ niệm đẹp bỗng hóa ký ức bâng khuâng:
“Ngày tháng trôi đi qua mau,
mùa sao sáng năm nào,
giờ cũng Noel một mình em thẫn thờ,
quỳ bên hang đá nguyện cầu:
Một người chân mây gió được sống gần nhau”.
Tuy nàng có chút thất vọng nhưng nàng chưa tuyệt vọng, nghĩa là nàng vẫn có tia sáng hy vọng, nên nàng cầu nguyện cho chàng (người chân mây gió) và nàng “được sống gần nhau”. Tình yêu có nhớ nhung mới là tình yêu đích thực, và tình yêu đích thực sẽ đơm hoa kết trái là đời sống hôn nhân.
Ngày quen nhau, nàng mặc áo màu xanh. Chiếc áo đó vẫn được nàng nân niu cất giữ cho lần hẹn đêm Giáng Sinh năm sau:
“Tà áo năm xưa xanh màu thông Ðà-lạt,
dành đến năm sau khi cùng anh dạo phố”.
Tình yêu thật đẹp, hẹn hò thật lãng mạn, nàng chỉ muốn mặc áo xanh khi có chàng bên cạnh cùng dạo phố, và cũng là dấu ấn không thể phai nhòa:
“Để nhớ Giáng Sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời,
Cho em sống lại màu xanh ái ân”.
Kỷ niệm tình yêu đã là tuyệt vời, kỷ niệm đó còn trên cả tuyệt vời vì đó chính là “kỷ niệm ngày Chúa ra đời”. Kỷ niệm tình yêu của họ đã được ghi dấu của Ơn Thánh, thế thì sao lại không tuyệt vời chứ?
Kỷ niệm vui là kỷ niệm buồn, kỷ niệm buồn là kỷ niệm buồn hơn. Cái vui không làm người ta nhớ lâu, nhưng cái buồn khiến người ta nhớ mãi. Buồn mà không lụy, khổ mà không đau, sầu mà không thảm, cảm mà không phiền,… để làm gì? Để màu xanh vẫn thắm sắc hy vọng.
Nguồn: Tác giả Trầm Thiên Thu