Kể từ sau khi ra mắt ca khúc “Không” vào năm 1970 trong một dịp ngẫu hứng và tình cờ, và nhận được sự đón nhận rất tích cực của khán giả, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tiếp tục sáng tác thêm nhiều ca khúc, hầu hết là những bản tình ca buồn. Theo lời của tác giả, những bài tình ca này đều viết cho một mối tình duy nhất, từ dư âm của cuộc tình đầu không thành và để lại nhiều nỗi tiếc nuối. Trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ là ca khúc Buồn Ơi Chào Mi.
Buồn Ơi Chào Mi là một ca khúc được sáng tác vào thập niên 1970, sau khi nhạc sĩ chia tay mối tình đầu đã 15 năm, nhưng lời ca của bài hát như là viết cho một nỗi buồn hãy còn tươi mới, như khi vừa chia tay người yêu:
“…Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi…”
Đây là một ca khúc viết về nỗi buồn, cũng giống như rất nhiều bài khác của loại nhạc trữ tình hồi thập niên 1970. Nỗi buồn thường khơi gợi nhiều cảm hứng trong âm nhạc, và dường như chỉ có nỗi buồn mới làm cho nhạc sĩ thăng hoa được đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật.
Khác một chút so với các nhạc sĩ khác, thay vì mô tả nỗi buồn, Nguyễn Ánh 9 chọn đối thoại với nó, để nhìn lại mối tình một cách lạc quan và quên đi chuyện tình nhiều xót xa:
“…Buồn ơi ta đang lẻ loi
Buồn hỡi ta đang đơn côi
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa…”
Đó là lời mời gọi, tìm kiếm nỗi buồn đến như là tìm một người tri kỷ. Từ đó, “người tri kỷ” này sẽ thay thế cho người tình đã ra đi. Nỗi buồn có thể đồng cảm, lắng nghe được mọi tâm sự buồn của kẻ đang thất tình. Có được một “người bạn” như vậy, hình như Nguyễn Ánh 9 đã có thể được đón nhận cuộc chia ly một cách nhẹ nhàng và thản nhiên hơn. Bởi vì nếu như trên đường tình bị lẻ loi một mình, thì ít nhất trên đường đời ông sẽ không bị cô đơn:
“Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình
Thì trên đường đời ta có mi buồn ơi!
Buồn ơi, thế nhân là thế
Sao người yêu vẫn mãi say mê…”
Người nhạc sĩ tiếp tục tâm sự với nỗi buồn, và nhẹ nhàng oán trách vì sao người yêu lại bỏ ra đi theo những phù phiếm của tình nhân thế.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có lần tâm sự về mối tình đầu này như sau:
“18 tuổi, tôi gặp mối tình đầu. Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê choáng váng và mãnh liệt. Nhưng dường như là số phận, những mối tình quá đẹp, thường khó vẹn toàn. Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ. Ngăn không được lòng đôi trẻ, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ hờn giận cho hai người. Để cách ly, cô ấy bị bố mẹ bắt sang Pháp sống, hòng ngăn cản mối tình “rồ dại” với chàng nhạc sĩ…”
Thời điểm đó, và cả sau này khi sáng tác Buồn Ơi Chào Mi, ông không hề được biết lý do vì sao người yêu bỏ ra đi, và trách lầm cô gái. Cho đến năm 1974, gặp lại người xưa khi cô trở về Việt Nam thăm gia đình, ông mới biết sự thật là cô đã bị cha mẹ giấu hết thư từ và không cho liên lạc nữa. Cô quyết định không lấy chồng dù đã 16 năm trôi qua, rồi âm thầm sống một mình với dư âm của mối tình đầu.
Lúc đó, người nhạc sĩ mới biết rằng cô gái không phụ mình, không say mê theo những phù phiếm của thế nhân. Còn trước đó, ông vẫn đau một nỗi đau của kẻ bị phụ tình:
Buồn ơi yêu đương là thế
Sao tình ta mãi mãi đam mê
Người yêu cho ta niềm đau
Buồn hỡi cho ta quên mau
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa.
Trước năm 1975, ca khúc này rất được yêu thích qua tiếng hát danh ca Sĩ Phú, mời bạn nghe lại bên dưới.
Click để nghe Sĩ Phú hát Buồn Ơi Chào Mi
Sau năm 1975, ca khúc này như được sống thêm một lần nữa khi được ca sĩ Bằng Kiều trình bày với phong cách trẻ trung hơn trên chương trình Paris By Night:
Click để nghe Bằng Kiều hát Buồn Ơi Chào Mi trên Paris By Night 83
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)