Ðối với những thính giả đã đứng tuổi, tiếng hát Thái Thanh không chỉ còn là một tiếng hát thông thường, một giọng hát hay, mà gần như còn là một phần đời của chính mình nữa.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với vận mạng của xứ sở. Người ta dã nghe tiếng hát ấy trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn. Có thể nói, âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó.
Ma’u lửa, chiê’n tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh. Lịch sử của chúng ta không kể hết những nỗi bi thương. Tai họa rình rập người ta khắp nơi, khắp chốn. Những mạng sống được tính từng giây, từng phút. Thế nên, không có gì lạ, khi người ta, trong khoảnh khắc nào đó, nghe tiếng hát Thái Thanh đồng thời cũng nhận ra mình vẫn còn. (Lịch sử của chúng ta thiếu gì lúc đã khiến người ta thấy như mình chẳng còn hiện hữu nữa!).
Thái Thanh được yêu mến nhất qua những bài dân ca. Không phải thứ dân ca dựa dẫm trên những làn điệu Ả Ðào hay chầu văn chẳng hạn, được biến chế, thêm thắt, như một số các ca khúc chúng ta được nghe gần đây. Mà là thứ dân ca xuất phát tự lòng người, từ những hoàn cảnh lịch sử, ước muốn chia xẽ, giải bớt oan khiên, phục hồi hy vọng. Những bài hát trở thành dân ca chứ không phải những bài dân ca có sẵn. Qua tiếng hát Thái Thanh, người ta cảm thấy yêu tiếng nói của dân tộc hơn, thương yêu nhau hơn.
Trường hợp Thái Thanh cũng là trường hợp hãn hữu. Vì bà khởi dầu sự nghiệp của mình vào những ngày gần như cả nước bừng lên tinh thần ái quốc, mùa Thu năm 1945. Bên cạnh bà, lại có anh rể là Phạm Duy, anh ruột là Phạm Ðình Chương, viết bài cho hát. Những bài hát được sáng tác vào lúc ấy, mang ý nghĩa thực sự của những đóng góp trực tiếp để làm nên lịch sử. Ðưa được những bài hát ấy đến quảng dại quần chúng là công lao lớn của Thái Thanh.
Theo những người được nghe ca khúc Bà Mẹ Gio Linh vào đúng cái lúc xẩy ra chuyện “quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ chém đầu” và bà mẹ đi lấy đầu con về ấy, Thái Thanh, bằng tiếng hát của mình, đã gây một sự xúc động lớn đến nỗi, tất cả những người nghe đều cảm thấy mình phải để tang người đã chết. Những sự xúc động như thế làm tăng thêm sức mạnh, tăng thêm ý chí cho người ta, là điều dễ hiểu thôi.
Tiếng hát Thái Thanh là “tiếng nước tôi”, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ. Nó vang vọng những nỗi đớn đau của người đàn bà. Nó phản ánh những khát vọng, đau thương của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị rập vùi trong một nửa thế kỷ chiến tranh, kèm theo những băng hoại của một xã hội bất an. Những nạn nhân âm thầm vô danh là những người tình, người vợ, người mẹ, đã có dịp thở than bằng tiếng hát Thái Thanh.
Phê bình truyện Kiều, Phạm Quỳnh có một câu, hẳn những ai đã đọc Kiều, yêu Kiều, đều nhớ:
Truyện Kiều còn thì tiếng Ta còn.
Tiếng Ta còn thì nước Ta còn.
Cái tiếng Ta ấy, tiếng Việt Nam ấy, nay có thể thêm vào, phải được nghe qua tiếng hát Thái Thanh nữa, để biết cái nặng nhẹ của một chữ phải được phát âm chính xác thế nào. Phải nghe Thái Thanh hát “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao hay “Bà Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.
Ước mong sao có một buổi gặp gỡ nào đó giữa Thái Thanh và các thính giả, trước khi bà ngừng hát hẳn. Ðể những người yêu tiếng hát của bà có thể trực tiếp trao tận tay bà, mỗi người một bông hồng tạ ơn.
Nói tới đây, chúng tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Tagore, xin trích để tặng bà:
Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian
Và như thế đời tôi đã được chúc lành
Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình
Và tôi đã cố hết sức tôi.
Nguồn: Nhà văn – nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn