Căn gác nhỏ này hiện nay tên là Gác Trịnh, đã từng là “một chốn đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vào những năm của thập niên 1960. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình. Hiện nay địa chỉ ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ – thành phố Huế.
Nếu có dịp đi du lịch Huế, tìm về căn nhà của cố nhạc sĩ năm xưa, bạn sẽ thấy căn nhà ở chung cư Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam, nay đã được bài trí thành quán cafe, trưng bày những hiện vật, sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cái tên “Gác Trịnh” được đặt dựa theo cảm hứng từ câu hát “Một đêm bước chân về gác nhỏ…” trong bài “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” của cố nhạc sĩ.
Vào lúc xưa, nhiều văn nghệ sĩ đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng gọi nơi này là Gác Trịnh. Hình bên dưới là Khánh Ly năm 1971 trong một lần đến thăm Gác Trịnh. Vào lúc này cô đã là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn.
Chính các văn nghệ sĩ đa phần tại Huế đã chung tay xây dựng nên “Gác Trịnh” để tỏ lòng tri mộ của mình đến vị nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt, cũng là để những người hâm mộ có một nơi chốn để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, nơi ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay.
Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm – người ngày ngày chăm chút cho căn gác ấy hay nở nụ cười hiền hoà mỗi khi có vị khách lạ ghé thăm. Ông Lâm kể, căn nhà này khi mở cửa lại đã được sơn sửa đôi chút, riêng căn gác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ở vẫn được giữ lại nguyên vẹn.
Nơi đây còn lưu giữ lại những kỷ vật của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cùng tranh ảnh lưu niệm bạn bè, gia đình ông tặng lại. Chính những kỷ vật ấy đã làm nên một “không gian văn hóa Trịnh” có một không hai. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay lá thư tình ông viết cho Dao Ánh.
Lan can bên ngoài bày hai bộ bàn ghế, khách đến có thể ngồi trên đây ngắm xuống phố Nguyễn Trường Tộ. Đây cũng là nơi mà Trịnh Công Sơn ngồi ngắm hình bóng “Diễm” dưới hàng cây long não, mỗi lần “Diễm” tan học về, nơi ông “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ…”
Trịnh Công Sơn đã kể lại những ngày tháng đó như sau:
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt…
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.
Người hàng xóm của cố nhạc sĩ tại chung cư Nguyễn Trường Tộ này kể lại: “Gia đình Trịnh Công Sơn gồm mẹ và 8 người con đã về đây sống tại phòng 203, khu nhà 19 vào năm 1962. Cả gia đình tràn đầy tiếng cười và tiếng nhạc. Dễ thương nhất là Trịnh Vĩnh Thúy và Trịnh Công Sơn. Riêng anh Sơn hồi đó rất đẹp trai, luôn hòa nhã và quan tâm đến hàng xóm.”
Không gian Gác Trịnh chính là sự yêu mến, tri mộ và tiếc thương của các văn nghệ sĩ và người hâm mộ đối với Trịnh Công Sơn, một nơi có giá trị văn hoá lớn lao giữa chốn đại nội xưa vốn mang nhiều giá trị lịch sử. Họ mong rằng nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng nho nhỏ lưu trữ những ký ức thiêng liêng, trường tồn như chính âm nhạc của ông trong mỗi người dân Việt.
Căn gác ở cuối nhà, nơi khung cửa sổ nhỏ là bộ bàn ghế ông từng ngồi để sáng tác những tình khúc bất hủ. Khách ghé có thể ngồi uống café ngay tại đây.
Tại Gác Trịnh, các nghệ sĩ thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, đa phần chính là những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Ngồi nghe những ca khúc ấy tại nơi mà nó được viết nên là một cảm xúc khó tả mà bất kỳ du khách yêu nhạc Trịnh nào cũng không muốn bỏ lỡ khi đến du lịch Huế. Hơn thế, Gác Trịnh còn là một không gian mở, là nơi giao lưu âm nhạc, giới thiệu các tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ.
Có thể nói cafe “Gác Trịnh” không xô bồ hối hả cũng không hoàn tòan là nơi kinh doanh như nhiều quán cafe đơn thuần khác, gác Trịnh như một góc nhỏ đi tìm sự đồng điệu tri ân cho những ai cần bình yên tìm đến, nương mình vào những giai điệu trữ tình mà một đời nhạc sĩ Trịng Công Sơn đã từng khắc khoải, đau đáu, chắt chiu thành những ca từ và những giai điệu để lại cho đời.
Nguồn: Daisy – Mytour.vn
Hình ảnh: Thế Hải, Hoàng Lưu, Trần Việt Anh & fanpage Journeys in Hue