Sự thật về “bài ca tuyệt mạng” Chủ Nhật Buồn – bài hát gây chết người nổi tiếng trên thế giới

“Ca khúc chết người”, “Quốc ca của những kẻ tự tử”, đó là những cái tên mà người đời đã đặt cho bài “Chủ nhật buồn” (Gloomy Sunday, Sombre Dimanche). Nguyên tác tiếng Hungary là Szomorú vasárnap, đây là một ca khúc được liệt vào hàng bất tử trong lịch sử âm nhạc đại chúng thế giới.

Rất nhiều người Việt đã quen thuộc với giai điệu quen thuộc của ca khúc “Chủ nhật buồn”, được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt và phổ biến. Thế nhưng ít ai chú ý rằng đó là một bài hát xuất xứ từ Hungary, từng đi chinh phục thế giới qua các phiên bản tiếng Anh – Gloomy Sunday – hay tiếng Pháp – Sombre Dimanche.

Mang tựa gốc là Szomorú vasárnap, từng được mệnh danh là “Ca khúc chê’t người”, “Quốc ca của những kẻ tự vẫn”, ngay tại Hungary, bài “Chủ nhật buồn” được xem như thương hiệu tầm cỡ thế giới bậc nhất của Hungary trong âm nhạc, còn tại nước Pháp, vào năm 1999, ca khúc này được bình chọn là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX.

Bài hát u sầu này đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có cả tiếng Việt và Quốc tế ngữ esperanto), thu hút không biết bao nhiêu là đại danh ca của thế giới, từ Billie Holiday, Ray Charles, Ricky Nelson, tại Mỹ, cho đến Sarah Brightman tại Ireland, Björk tại Iceland hay Serge Gainsbourg tại Pháp…, không kể đến các các ca sĩ hát tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Hàn…

Một trong những ca sĩ được cho là đã thể hiện hay nhất bài hát này là nữ danh ca Mỹ người da đen Billie Holliday, mà cách thể hiện đầy cảm xúc, đã khiến cho bài hát của cô bị cấm tại Anh Quốc vào năm 1941 vì bị cho là làm nản lòng người nghe vào lúc nước này cần động viên tinh thần dân chúng để chống Đức.

Ngoài cách thể hiện đầy u uẩn, ray rứt của Billie Holiday, ca khúc Gloomy Sunday cũng từng được nhiều ca sĩ khác trình bày với một phong cách nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như phiên bản của ca sĩ Mỹ Ricky Nelson, từng nổi tiếng trong giới hát nhạc ‘’đồng quê’’ (country music).

“Chủ nhật buồn” xuất xứ từ một bài thơ… thất tình

Ca khúc “Chủ nhật buồn”, nhạc của Seress Rezső, lời thơ của Jávor László và Seress Rezső, ra đời vào giữa thập niên 30 thế kỷ trước tại Budapest. Tất cả xuất phát từ một bài thơ… thất tình của Jávor László, khi đó 26 tuổi, phóng viên hình sự một tờ báo ở Budapest.

Ðó là năm 1933. Chàng trai Jávor László buộc phải chia tay với người yêu, khi đó đã là vợ kẻ khác. Tương truyền, trong buổi hẹn hò bí mật cuối cùng, Jávor tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ,và đối với chàng, cô gái không còn tồn tại nữa.

Bài thơ “Chủ nhật buồn” đã ra đời như thế, như một kỷ niệm cho mối tình đã chết, đầy tang tóc với câu mở đầu: “Chủ nhật buồn với muôn cành hoa trắng – Anh chờ em với lời kinh cầu”, để rồi khi mối tình không còn và ngày chủ nhật đối với anh chỉ còn là nước mắt và nỗi âu sầu.

Sau khi ra đời, bài thơ không được ai biết tới và tác giả thi phẩm đã đề nghị Seress Rezső, một nhạc sĩ tự học, phổ nhạc cho bài thơ đó. Sau vài tháng, bài hát “Chủ nhật buồn” ra đời, và người nhạc sĩ không hề biết nhạc lý đã phải huýt sáo để nhờ một thanh niên thạo nhạc ghi lại với giá 5 đồng.

Tiếng tăm của bài ca “tuyệt mạng”

Trong khi các tác giả đang buồn bã vì ca khúc không chạy như ý muốn thì đột nhiên, báo chí Hungary loan tin trong vòng 2 tuần liền, đã có hai người tự sa’t bên bản nhạc “Chủ nhật buồn”. Tháng 11/1935, báo chí Hungary mở cuộc tấn công phê phán ca khúc và gọi nó là “bài ca giê’t người”.

Lúc đó, báo chí Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Ðức bắt đầu viết về “Chủ nhật buồn”, nơi khen, nơi chê, và truyền thông quốc tế bắt đầu gọi ca khúc là “Quốc ca của những kẻ tự vẫn”. Từ Châu Âu lan sang Bắc Mỹ, tờ New York Times còn loan tin tại Budapest, đã có một làn sóng người nhảy xuống dòng Danube tự vẫn khi nghe bài hát, và liên tiếp các vụ án tương tự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Hungary, Pháp. Bản thân Seress cũng rất kinh ngạc và không tin vào điều đó. Nhưng khi người ta thống kê được hàng trăm vụ tự vận trên khắp thế giới có liên quan đến bài hát của Seress thì ông bắt đầu hoảng sợ thực sự.

Lệnh cấm lưu hành bài hát đã được nhiều nước như Anh, Mỹ đưa ra. Nhưng càng cấm, bài hát càng nổi tiếng và danh sách những nạn nhân càng dài thêm, ở đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, màu da. Có tới 15 quốc gia đâm đơn kiện tác giả Seress, buộc tội ông có liên quan đến những cái chết đó.

Cơn sốt bài hát Chủ nhật buồn lên đến đỉnh điểm vào năm 1936. Bất chấp lệnh cấm, bản copy bài hát được bày bán khắp nơi ngay trên hè phố Paris. Những lời đồn đại làm cho nhiều ban nhạc và ca sĩ không dám hát bài “chết chóc” này.

Các nhà nghiên cứu cho biết, âm nhạc, điện ảnh… có thể tác động tới tâm lý của con người, nhưng không phải là quyết định. Thời kỳ đó, Mỹ và châu Âu đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp. Xã hội bị khủng hoảng sau Thế chiến thứ nhất, nạn thất nghiệp gia tăng, cùng với nỗi buồn tang tóc thời hậu chiến.

Sự khủng hoảng xã hội sâu rộng này được thể hiện rõ nét với sự lên ngôi của học thuyết Hiện sinh. Điều này tác động mạnh lên tâm lý của dân chúng và đẩy nhiều người trong số họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, thất vọng trong cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, chỉ cần thêm một tác động nhỏ từ bên ngoài như âm nhạc, ca từ, phim ảnh có nội dung buồn thảm là cũng có thể đẩy con người đến quyết định tiêu cực.

Bài hát Chủ nhật buồn rất ảm đạm chính là “giọt nước làm tràn ly”. Thêm nữa, sự cộng hưởng thêu dệt của dư luận đã tạo nên cái “mốt tự sa’t” vào thời kỳ đó.

Thời gian sau, không còn hiện tượng tự vẫn vì bài hát Chủ nhật buồn nữa. Lệnh cấm bài hát này cũng được bãi bỏ ở châu Âu, Mỹ.

Hiện tượng “bài hát chết người” xét cho cùng chỉ là một trong những “huyền thoại đô thị” không thiếu ở các thành phố trên thế giới thời bấy giờ. Bất kỳ thời đại nào, kể cả ngày nay, đều có một số lượng người bị bí thế và tìm đến con đường tự vẫn vì nhiều lý do. Việc tự vẫn bên cạnh bản nhạc “Chủ Nhật Buồn” có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên dẫn đến sự thêu dệt nên huyền thoại không có thực về “bài hát gây chết người”.

Thành công của thi phẩm “Chủ nhật buồn” đã vượt xa mọi mong đợi. Cố nhiên, ngoài sự đau khổ của Jávor László, cần một ai khác phổ nhạc cho những vần thơ tang tóc đó. Ðó là Seress Rezső, một nhạc sĩ tự học, vụng về nhưng thiên tài: từ Quận VII bùn lầy nước đọng của thủ đô Budapest, ông đã có một bài ca được các cây đại thụ trong làng nhạc quốc tế xưng tụng.

Seress Rezső, nhạc sĩ thiên tài nhưng không biết nhạc lý

Seress chào đời năm 1899 trong một gia đình gốc Do Thái và thường được gọi với cái tên “Seress bé nhỏ” vì ông chỉ cao hơn 1m55 chút đỉnh. Cả đời chỉ chơi nhạc buổi tối ở Kulacs và Kispipa, hai tiệm ăn nhỏ và đầy khói thuốc lá ở Budapest, nơi đầu thập niên 30 từng là nơi gặp gỡ của tầng lớp tiểu thị dân nghèo khó.

Như hồi tưởng của người đương thời, chỉ ở giữa tiệm ăn họa chăng còn chút hơi ấm của chiếc lò sưởi gạch màu nâu, chứ khách khứa ngồi gần cửa ra vào vẫn phải mặc nguyên áo khoác vì lạnh lẽo. Hầu như thực khách không mấy khi thấy rõ Seress ngồi khuất sau chiếc dương cầm.

Miệng phì phèo thuốc lá, giọng khản đặc, chỉ chơi dương cầm kiểu “mổ cò” với hai ngón của bàn tay phải, lần mò tìm nốt nhạc, vậy mà theo lời kể của người đương thời, hàng ngày, từ 6 giờ tối đến rạng sáng, Seress đã tạo nên một bầu không khí “bốc lửa” tại nơi ông chơi nhạc.

Seress Rezső

Otto Klemperer, nhạc trưởng lừng danh người Đức đã có lời nhận xét ngắn gọn về Seress: “Không phải nhạc sĩ – chỉ là thiên tài”. Chắc chắn như thế, vì trong 40 năm ròng rã của đời nghệ sĩ, Seress không hề biết viết, biết đọc bản nhạc, ông cũng không biết hát theo nghĩa thực của từ này.

Cách sáng tác của Seress cũng đặc biệt : vừa huýt sáo, ông vừa ngẫm nghĩ và khi được giai điệu nào “hợp lý”, ông nhờ người ghi lại thành bản nhạc. Thô sơ vậy nhưng Seress là tác giả của ít nhất 40 ca khúc đỉnh cao mà nhiều người Hungary cho rằng không tồi hơn, thậm chí, có thể còn hay hơn “Chủ nhật buồn”!

Vào thời điểm “Chủ nhật buồn” ra đời, báo chí đã viết về người nhạc sĩ như sau: “Ở nước ngoài, nếu một nhạc sĩ chỉ sáng tác được một phần tư số ca khúc được ưa thích so với Seress, thì người ấy hẳn phải sống vương giả, có nhà lầu, xe hơi, và có thể lựa chọn các hợp đồng phim ảnh. Còn Seress thì chơi dương cầm ở một quán nhỏ, thù lao “vương giả” mỗi tối là vài đồng và một bữa tối thanh đạm”.

Cho dù đã có rất nhiều tiền tác quyền trong các ngân hàng ngoại quốc, nhưng Seress không bao giờ đặt chân ra nước ngoài và cũng không bao giờ đụng chạm được đến những khoản tiền đó. Sau Ðệ nhị Thế chiến, Hungary về phe thua cuộc và số tiền của ông đã bị “đóng băng” với lý do… nước Hung phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Đồng minh!

Không chỉ là tác giả phần nhạc của “Chủ nhật buồn”, Seress Rezső còn đặt lời hai cho ca khúc, biến bài hát từ một bản tình ca thành một tác phẩm với âm hưởng của ngày tận thế với những câu như: “Mùa thu tới và lá vàng rơi – Tình người chết rục trên đất này”.

Seress Rezső: Từng thoát chết trong gang tấc để rồi lại tự vẫn quyên sinh

Cảm hứng ấy được tạo bởi những trải nghiệm cá nhân: cuối Đệ nhị Thế chiến, vì nguồn gốc Do Thái của mình, Seress Rezső bị bắt vào trại tập trung và trong khoảnh khắc kinh hoàng, khi phải tự đào hố chôn mình, một sĩ quan Đức từng nghe ông hát “Chủ nhật buồn” tại Budapest trước đó vài năm đã cứu ông khỏi cái chết chắc chắn.

Những năm tháng sau đó dưới thời Cộng sản, cái tên Seress Rezső cũng bị đưa vào danh mục cấm vì chính quyền cho rằng các sáng tác của ông mang yếu tố độc hại, hơn nữa, theo cách nói thời bấy giờ, chúng “phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc”.

Năm 1956, khi mấy trăm ngàn dân Hung di tản sau cuộc cách mạng mùa thu bị Liên Xô đàn áp, Seress đã có thể ra nước ngoài và bạn bè ông cũng khuyên nhà nhạc sĩ như vậy. Nhưng không gì khiến Seress rời nước Hung! Ông quá yêu vô mảnh đất Budapest và trong 10 năm cuối đời, không bao giờ ông bước khỏi Quận VII nơi ông sinh sống và chơi nhạc.

Lúc sáu mươi chín tuổi, tháng 1-1968, khi biết mình lâm trọng bệnh, Seress đã tìm đến cái chết vào một ngày thứ Hai buồn bã bằng cách nhảy từ cửa sổ căn hộ ông sống, tại tầng 4 một tòa nhà. Cả đời bị ám ảnh bởi cái chết, bài ca do ông phổ nhạc và đặt một lời cũng là một “tình ca chết chóc”, vậy mà chính cái chết đã đưa Seress vào bất tử, như bản “Chủ nhật buồn” trước đó 35 năm.

Phiên bản tiếng Việt của Phạm Duy dựa theo bản tiếng Pháp

Không chỉ nổi tiếng trên thế giới, “Chủ nhật buồn” còn được biết đến ở Việt Nam rất sớm, từ đầu thập niên 50, qua lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong một hồi tưởng, nhạc sĩ cho biết trong thời gian du học ở Pháp, ông rất yêu những bản nhạc tình của một nữ nhạc sĩ Pháp đương thời và có soạn lời tiếng Việt cho một số bài của cô, trong đó, có bản “Chủ nhật buồn” mà Phạm Duy nghĩ là đã được phóng tác từ dân ca Hung-gia-lợi.

Ca từ của bản tiếng Việt, mặc dù, như lời Phạm Duy, là được phỏng theo bản tiếng Pháp, nhưng lại theo sát và phản ánh tinh thần của nguyên bản một cách tài tình và đáng phục: “Chủ nhật buồn, đi lê thê – Cầm một vòng hoa đê mê – Bước chân về với gian nhà – Với trái tim cùng nặng nề…”


Bài ca do Phạm Duy đặt lời được du nhập vào Việt Nam đúng lúc đất nước phân ly, lòng người tan nát và tao loạn. Như Phạm Duy nhận xét, “Chủ nhật buồn” có thể đã ảnh hưởng nhiều đến dòng nhạc tình nói về thân phận những cặp tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng và nhức nhối, với tâm thức có thể xa nhau (vĩnh viễn) bất cứ lúc nào, xuất hiện ở miền Nam cuối thập niên 50 thế kỷ trước.

Phạm Duy nhìn thấy ảnh hưởng và dấu ấn khá rõ ràng của “Chủ nhật buồn” trong “Lời buồn thánh”, một nhạc phẩm tân lãng mạn của Trịnh Công Sơn, hoặc trong nỗi buồn của ngày Chủ nhật mùa mưa ở ca khúc “Tuổi đá buồn”: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang – Từng ngón tay buồn em mang em mang – Đi về giáo đường, ngày Chủ nhật buồn…”.

Ra đời cách đây gần 8 thế kỷ, cho đến nay, “Chủ nhật buồn” vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, ban nhạc với những cách thể hiện khác nhau của bài hát. Mang tâm tình của một cá nhân (Jávor László), được thăng hoa bởi nét nhạc và tâm tự sầu cảm của Seress Rezső, “Chủ nhật buồn” xứng đáng là một ca khúc vượt thời gian của dòng nhạc tình quốc tế thế kỷ thứ XX.

nhacxua.vn sưu tầm và biên soạn