Trước khi đọc bài này, mời bạn đọc bài bài viết phân tích và giải thích ý nghĩa trường ca Hòn Vọng Phu phần 1 tại link được đính kèm ở cuối bài viết này.
Bài Hòn Vọng Phu 2, còn có tên khác là Ai Xuôi Vạn Lý, được nhạc sĩ Lê Thương sáng tác khoảng cuối năm 1945, đầu 1946, lúc ông theo kháng chiến và đang lẩn trốn quân Pháp ở vùng Mỹ Tho, Bến Tre. Đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Sống trong lằn ranh của sống và chết, trong lòng người nhạc sĩ dâng lên niềm tiếc nuối mênh mang như lòng người chinh phụ, ông đã viết thành những câu hát:
“Thôi đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.”
Nhờ cây viết máy Kao-lo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, nhạc sĩ Lê Thương đã viết mấy ô nhịp cho câu hát trên.
Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài Hòn Vọng Phu 2, tức Ai Xuôi Vạn Lý, được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn đang ghì lấy sự sống.
Phần 2 của Hòn Vọng Phu đặc biệt hơn 2 phần còn lại, khi nó không thuần là kể chuyện, mà tác giả như đứng ở vai trò của một chứng nhân để kể lại nỗi niềm người chinh phụ. Mượn câu chuyện này, nhạc sĩ Lê Thương còn kể những sự tích non sông rất thú vị trong bài hát mà có thể ít người để ý tới, đó là sự tích về sự hình thành của dãy Trường Sơn, của 9 nhánh sông Cửu Long, và đặc biệt là hải đảo, là Trường Sa và Hoàng Sa gắn liền với non sông từ ngàn xưa. Đó là sự khẳng định quyết liệt chủ quyền những nơi này thuộc về dân tộc Việt.
Hòn Vọng Phu 2 qua tiếng hát Hoàng Oanh
Nếu như ở phần 1 của Hòn Vọng Phu là những giai điệu, ca từ hùng hồn, phản ánh đúng với thời điểm nhạc sĩ viết ra bài hát khoảng 1945-1946, là thời điểm của Nam bộ kháng chiến và tổng khởi nghĩa năm 1945, của toàn quốc kháng chiến năm 1946, thì qua đến năm 1947, lời ca trong Hòn Vọng Phu số 2 đã trở nên buồn thảm hơn.
Chúng ta cùng đi vào lời bài hát:
Người vọng phu trong lúc gió mưa,
Bế con đã hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
Có đám cây trên đồi sống trong, trong mơ hồ,
Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa.
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ,
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa,
Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
Người xưa mà thường theo dõi những độ trăng tròn để dõi theo mòn mỏi giữa những tháng ngày biền biệt. Kể từ khi đoàn cỏ cây còn trẻ thơ, cho đến khi thành đoàn cổ thụ già, đó là khoảng thời gian đằng đẵng không sao kể xiết.
Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,
Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly…
Những lời nhắn nhủ này là của người thứ 3, tức là tác giả bài hát, nói rằng nếu có ai đó xuôi về miền vạn lý, hãy nhắn giùm nàng, hãy thắp lên những ngọn hương tưởng tiếc về người chinh phu. Ông còn khuyên nàng rằng đợi làm chi nữa, vì những người đã trót mang vào mệnh biệt ly thì có mấy khi thời gian sẽ đem đến trả đúng kỳ.
Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba…
Suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống “Bà”,
hình hài người bế con nươc chảy chan hòa
Thấm vào đến tận tâm hồn đứa con…
Vì sao là tiết tháng Ba mà không phải là tiết nào khác? Tác giả Đặng Phú Phong đã giải thích như sau trong một bài viết:
“Một chi tiết mà có lẽ ít người để ý là “Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba, Suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống “Bà”, hình hài người bế con nước chảy chan hòa”.
Dân gian có câu “Tháng Ba bà già đi biển”, ý nói thời tiết vào tháng Ba ở vùng biển rất là tốt, biển êm sóng lặng, không hề có mưa giông gió bão nên bà già cũng đi biển được. Thế nhưng lòng son sắt của người đàn bà chờ chồng kia đã động đến thiên đình, dù theo thông lệ không cho mưa vào tháng ba, nhưng nay trời đã làm mưa như thác đổ, để giúp nàng quên đi cái nắng đổ lửa, cái gió cát xốn xang lòng mắt. Và cũng để “thấm vào đến tận tâm hồn đứa con”.”
Ở đoạn sau của bài hát là sự tích hình thành non sông được nhạc sĩ kể dựa những cảnh vật đã được nhân cách hóa. Đây là sự sáng tạo rất thú vị của nhạc sĩ Lê Thương mà chúng ta không thể tìm thấy ở bầt kỳ một bài nhạc nào khác:
Nên núi non thương tình kéo nhau đi thăm nàng
nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Nam.
Dâng lá hoa suối nguồn với muông chim vô vàn
Ngưỡng mộ cho sự son sắt của “vọng phu”, và cảm thương cho sự cô đơn của nàng, núi non cũng biết “kéo nhau” để đi thăm, kéo thành hàng dài nằm thành dãy Trường Sơn bên dưới chân nàng.
Bầy cảnh Nam Bắc đầy cỏ hoa
như cố khuyên nàng trở về, chớ đừng để xuân tàn,
nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo ra tới tận khơi ngàn…
Xem chàng về hay chưa, về hay chưa?
Không chỉ đi thăm nàng không thôi, mà các đồi còn “rủ nhau” kéo ra vùng biển khơi để ngóng trông giúp nàng xem chàng đã về hay chưa, rồi các đồi này biến thành đảo xa ở khơi ngàn, đó chính là Trường Sa và Hoàng Sa. Qua sự tích này, nhạc sĩ Lê Thương khẳng định rằng những đảo xa này cũng chính là mảnh đất được cắt ra từ đất Việt, là máu xương của người Việt, không thể tách rời.
Chín con long thật lớn, muốn đem tin tới nàng,
núi ngăn không được xuống, chúng kêu ca dưới ngàn.
Ta cố đợi nghìn năm, một nghìn năm nữa khác sẽ qua,
đến khi núi lở sông mòn, mới mong tới Hòn Vọng Phu…
Ở vùng phía Nam xa xôi, có 9 con rồng rất lớn. Rất có thể những con rồng huyền thoại này đã biết được tin tức của người chinh phu, muốn đem tin đến cho nàng. Nhưng oái ăm thay, ngàn trùng cách biệt, núi non hiểm trở và ngăn cách, không thể xuống được nên 9 con long này này “kêu ca” dưới ngàn.
Vì không thể đến được, 9 con rồng này đành nằm ẩn mình để cố chờ ngàn năm nữa, biết đâu rằng đến khi đó thì núi đã lở, sông đã mòn, rồi cũng sẽ mang được tin đến cho Hòn Vọng Phu. Chín con long ẩn mình đó chính là chín nhánh sông Cửu Long được người nhạc sĩ tài hoa nhân cách hóa và kể một câu chuyện rất thi vị.
Thông thường, các ca sĩ hát tới đoạn này là kết thúc. Nhưng Hòn Vọng Phu 2 – Ai Xuôi Vạn Lý chưa kết thúc ở đây. Trong tờ nhạc phát hành năm 1955 của nhà xuất bản Tinh Hoa, có thêm một lời nữa mà có rất ít ca sĩ hát đầy đủ. Lời hát này như sau:
Một nghìn năm vừa mới thoáng qua
Núi non nao lòng nức nở khóc Bà
Một loài chim xứ xa bỗng nhiên vô tình
Bảo rằng: Đến lượt sơn hà chiến chinh
Non sông xuyến xao tấc lòng
tiến quân nghe ban truyền
Người đời rủ nhau mài kiếm đi viễn chinh
Dân gian thoát qua mấy lần ách tham ô quân quyền
Mà vì hồn thanh kiếm còn chờ linh
Nên khiến sắt son bẽ bàng mắc nợ còn chưa đền
Nhiều người tìm thanh kiếm thần thuở xưa
Đi xuống Phương Nam xem chàng về hay chưa
Về hay chưa?
Có con chim nhỏ bé
Dám ca câu sấm thề
Cuối thu năm Mậu Tý
Tướng quân đem kiếm về
Đời mong đợi thằng con
Ngày nào nó xuống núi non
Xuất chinh với cả mối thù
Nối lại giống nòi chinh phu…
Ở đoạn này là mô tả thời điểm 1000 năm sau đó, lúc này vọng phu đã hoá đá, núi non cũng nao lòng nức nở thương tiếc.
Sau 1000 năm, cũng là thời điểm “sơn hà chiến chinh”, tức là thời điểm mà nhạc sĩ sáng tác ca khúc này. Thời điểm này người người đang “mài kiếm đi viễn chinh” trong cuộc kháng Pháp.
Tác giả đã kể thêm một câu chuyện khác, về “thanh kiếm thần” mà người chinh phu mang theo hồi ngàn năm trước. Ở đây có một câu sấm được lưu truyền từ một loài chim nhỏ bé ở xứ xa như sau:
Có con chim nhỏ bé
Dám ca câu sấm thề
Cuối thu năm Mậu Tý
Tướng quân đem kiếm về…
Vì sao lại là năm Mậu Tý? Có thể đoán rằng “câu sấm truyền” này chính là lời dự đoán, hay đúng hơn là niềm mong ước của nhạc sĩ Lê Thương về sự xuất hiện của một điều linh diệu nào đó trong cuộc chiến chống Pháp vào thời điểm đó. Tính theo thời điểm sáng tác ca khúc này là khoảng đầu năm 1946, thì 2 năm sau đó, 1948 chính là năm Mậu Tý. Đó cũng là thời điểm thích hợp để “thanh kiếm thần” trở lại, cùng với sự xuất hiện của một “thằng con” để xuất chinh, trả lại mối thù ngàn năm, và nối lại giống nòi chinh phu:
Đời mong đợi thằng con
Ngày nào nó xuống núi non
Xuất chinh với cả mối thù
Nối lại giống nòi chinh phu.
“Thằng con” này có thể là bất cứ ai mang dòng máu Việt, là người con trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu, nay có thể đã hoá thân trong hình hài của một người anh hùng nào đó, mang chân mệnh của dòng dõi kiêu hùng năm xưa để cứu giúp non sông.
Hòn Vọng Phu 2 qua tiếng hát Thái Thanh
Trong các bản thu âm trước 75, chỉ có 2 bản có hát phần lời này, đó là bản thu âm của danh ca Thái Thanh hát trong băng Tình Ca Hai Mươi của Nhật Trường thực hiện, và bản thu âm của ca sĩ Sơn Ca hát trong băng Sơn Ca 8 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện. Sau 1975, ca sĩ Ánh Tuyết hát trong CD ca khúc Lê Thương do hãng phim trẻ phát hành năm 2001 cũng có hát Ai Xuôi Vạn Lý với phần lời về “thanh kiếm thần” trong đoạn cuối này.
Nghe bài hát Hòn Vọng Phu 2 qua tiếng hát Ánh Tuyết
Hết phần 2 của trường ca Hòn Vọng Phu, mời bạn đón xem tiếp bài viết về Hòn Vọng Phu phần 3 – Người Chinh Phu Về sẽ đăng sắp tới.
Ngoài ra, mời bạn đọc lại phần 1 của loạt bài viết về Trường ca Hòn Vọng Phu của cùng tác giả Đông Kha tại link sau: https://nhacxua.vn/phan-tich-y-nghia-truong-ca-hon-vong-phu-le-thuong-phan-thu-nhat-vui-ca-xang-roi-di-tien-binh-ngoai-ngan/
Bài: Đông Kha
(Vui lòng ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)