Nhạc sĩ Hoàng Nguyên và những tình khúc bất hủ về Đà Lạt: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đặt chân lên xứ lạnh vào giữa thập niên 1950 và để lại cho Đà Lạt nhiều ca khúc bất hủ. Một điểm chung, các ca khúc đều khắc khoải một tình yêu hoa đào nơi thành phố cao nguyên.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sinh ngày 3-1-1932, tại Quảng Trị, tên thật là Cao Cự Phúc.

Trong tiểu sử nhạc sĩ này, quãng thời gian ấu thơ được lược bỏ rất nhiều. Chỉ biết được rằng ông có thời gian học ở trường quốc học Huế, đầu thập niên 1950 thì tham gia hoạt động chống Pháp ở một vùng trung du, nhưng sau đó trở lại thành phố. Trước khi lên Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã viết “Anh đi mai về” với một tâm thế kháng chiến rõ ràng và bản “Đàn ơi, xa rồi”, nhạc tờ đều do nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) ấn hành, khá phổ biến.

Đến Đà Lạt vào thời điểm đô thị này vừa trải qua cuộc chuyển giao giữa giai đoạn Hoàng Triều Cương Thổ do quốc trưởng Bảo Đại nắm quyền sau thời đệ nhất cộng hoà. Tuy nhiên, sự vận động, xáo trộn trong đời sống chính trị không ảnh hưởng lắm đến không gian văn hoá và cuộc sống vốn trầm lặng, nhỏ nhẹ của người dân Đà Lạt.

Thời kỳ ở Đà Lạt, Cao Cự Phúc dạy Việt văn, lớp đệ lục ở trường tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang (khu số 4, Đà Lạt), do thượng toạ Thích Thiện Tấn Làm hiệu trưởng. Bây giờ, trường tư thục Tuệ Quang còn có một giáo sư dạy Việt văn khác về sau rất nổi danh, đó chính là Thích Nhất Hạnh (em trai của thượng toạ Thích Thiện Tấn, sau này là Thiền sư Làng Mai, Pháp).

Cao Cự Phúc cũng tham gia hoạt động văn hoá văn nghệ trong phong trào Phật giáo do nhóm Đồ Đề tổ chức. Người ta biết đến một Cao Cự Phúc là giáo viên mẫu mực đồng thời là một Hoàng Nguyên – Nhạc sĩ tổ chức chương trình phát thanh Phật giáo trên Đài Phát Thanh Đà Lạt.

Bấy giờ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người khá gần gũi với Hoàng Nguyên (Nguyễn Ánh 9) đang theo học tại trường Grand Lycee Yersin và bắt đầu tiếp cận với âm nhạc). Nhạc sĩ của Tình Khúc Chiều Mưa kể lại trong một bài viết in trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 1995 rằng, chính Hoàng Nguyên đã hướng dẫn cho ông về ký âm pháp và sáng tác trong thời kỳ này:

“Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố mơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra “nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách một các buổi phát thanh của hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc” năm 1956.

Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Đào:

Chiều nào dừng chân phiêu lãng,
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…

Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Đào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt… Hỏi: “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương?” Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng…”


Bài Thơ Hoa Đào – Thanh Lan

Công việc dạy Việt văn lẽ ra khá êm đềm tại một ngôi trường tư thục do các nhà sư tổ chức, những sự rập rình, áp đặt chính trị vào văn hoá một thời ở trong đô thị nhỏ này đã xới tung mọi thứ. Năm 1956, quân trấn đã tổ chức một cuộc truy lùng ráo riết những trí thức có quan điểm khác biệt, có tham gia các phong trào bị tình nghi phản kháng. Một số nhà giáo ở trường Tuệ Quang bị buộc tội hoạt động cho đảng Đại Việt. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên nằm trong danh sách đó, có lẽ không hẳn là ông tham gia đảng Đại Việt, mà có thể bởi những hoạt động phong trào văn hoá Phật giáo.

Trong một lần, Hoàng Nguyên và Hoàng Thi Thơ (lúc bấy giờ sống ở Sài Gòn) tổ chức đại nhạc hội tại Đà Lạt, thì Trưởng Ty Cảnh Sát Đà Lạt đã chụp mũ cho đây là hình thức tổ chức hoạt động văn hoá để quy tụ lực lượng, chống phá chính quyền mới, nên đưa người đến bắt và khám xét căn nhà trọ của Hoàng Nguyên. Trong tủ sách của chàng nhạc sĩ nhập cư lúc bấy giờ có giữ hai bản nhạc Tiến Quân CaThiên Thai của Văn Cao. Và đây là bằng chứng dẫn đến việc Hoàng Nguyên bị buộc tội “tàng trữ” sản phẩm văn nghệ phía Bắc. Nhạc sĩ phải rời Đà Lạt, đi đày Côn Đảo.

Thời kỳ “dừng chân phiêu lãng” Đà Lạt, chỉ một quãng thời gian ngắn nhưng Hoàng Nguyên đã kịp để lại hai ca khúc về sau nằm trong số những nhạc phẩm hay nhất viết về thành phố này: Bài thơ hoa đàoAi lên xứ hoa đào.

Thời gian bị đi đày, Hoàng Nguyên được vị chỉ huy trưởng Côn Đảo quý mến, đón về làm gia sư cho con gái của mình. Chàng nghệ sĩ hào hoa đã nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim cô tiểu thư mới lớn con nhà gia thế nhất ở vùng đảo ngọc. Tình yêu lửa rơm đôi lứa được nhen nhóm và bùng phát mạnh mẽ. Khi phát hiện ra con gái của mình mang thai với người tù, vị chúa đảo đã tìm cách vận động cho Hoàng Nguyên ra tù, sau đó trục xuất khỏi đảo, để giữ thể diện cho gia đình.

Hoàng Nguyên rời Côn Đảo về Sài Gòn làm nghề dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Sau đó theo học Anh ngữ ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, năm 1961. Thời gian này, Hoàng Nguyên sáng tác nhiều sầu khúc, trong đó có bản Cho người tình lỡ, với nhịp 3/4, giọng monir (thứ). Một bản Boston khắc khoải, lê thê. Có lẽ ca khúc trên được viết lại trong nỗi niềm “không ngăn được xót xa” khi chàng nhạc sĩ nghèo hay tin người tình nơi đảo ngọc đã đi lấy chồng:

Anh giờ đây như loài chim rã rời cánh biết bay phương trời nao
Em giờ đây như cành hoa trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào

Và phần điệp khúc của ca khúc này ngậm ngùi, trĩu nặng:

Mình nào ngờ, tình rơi như lá rơi
Người tình đầy, vòng tay ôm quá lơi
Để giờ này một người khóc đêm thâu
Một người nén cơn đâu nghe mưa mà cúi đầu

Thế là hết, nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên, những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa

Nẻo đường cũ giăng đầy mưa
Khuất mù lối khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng liệm với chiếc lá vàng cuối thu.

Ca khúc Cho người tình lỡ được ca sĩ Thanh Lan trình bày trong đĩa nhạc Tình ca số 45, do Tình Ca Quê Hương ấn hành. Trong đĩa nhạc này, cũng có bản Không của Nguyễn Ánh 9, chàng học sinh trường Yersin, người được Hoàng Nguyên kèm cặp môn ký âm từ những ngày còn ở Đà Lạt. Một cuộc hạnh ngộ thú vị trong sự nghiệp âm nhạc của hai chàng nghệ sĩ từng yêu và gắn bó với Đà Lạt.

Những ngày tháng sống chán chường và cô độc ở Sài Gòn, Hoàng Nguyên gặp diễn viên Huỳnh Khanh và được bà nhận làm em nuôi. Chồng bà Khanh, tức ông Phạm Ngọc Thìn lúc bấy giờ là thị trưởng thành phố Phan Thiết cũng dành tình cảm quý mến đặc biệt đối với chàng nhạc sĩ trẻ gốc miền Trung tài hoa, hiền lành. Duyên số đưa đẩy, Hoàng Nguyên đã gặp gỡ Ngọc Thuận, con gái của ông Thìn và sau đó không lâu thì họ nên vợ chồng. Theo một bài viết gần đây của Du Tử Lê, thì đây là một cuộc hôn nhân không đem lại nhiều hạnh phúc. Một số bản thảo tình ca của Hoàng Nguyên đã bị chính vợ ông ghen tuông, đốt cháy trong giai đoạn này.

Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào trường bộ binh Thủ Đức, học khoá 19, sau đó chuyển qua Cục Quân cụm tổ chức ban nhạc Hương Thời Gian lừng lẫy một thời.

Năm 1971, Hoàng Nguyên trở lại Đà Lạt, lúc này đã là một nhạc sĩ thành danh và có vị trí, như mười lăm năm trước “đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay” và bị trục xuất khỏi thành phố, mà bây giờ, trường Chiến Tranh Chính Trị mở cửa đón ông. Tác giả Vương Trùng Dương nhớ về lần trở lại này của Hoàng Nguyên với thành phố hoa đào – chỉ hai năm trước khi nhạc sĩ tài hoa từ giã cõi đời:

“Mùa hè 1971, ba tháng quân trường bên cạnh nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Cả hai, theo học Khoá III Trung cấp CTCT tại trường ĐH CTCT ở Đà Lạt. Anh đảm nhận Uỷ Viên Văn Nghệ, tôi phụ trách Uỷ Viên Báo Chí. Trở lại thành phố sương mù, với anh, được trở về chốn cũ ở thập niên 1950, với tôi ở thập niên 1960. Cùng chung căn phòng, anh em chúng tôi thường viện cớ công tác sinh hoạt văn nghệ, báo chí nên được cơ may ưu đãi, trốn học để la cà, bát phố. Chúng tôi có bốn người thường ngồi ở Thuỷ Tạ trên Hồ Xuân Hương cho lãng quên đời. Hình ảnh và tên tuổi Hoàng Nguyên rất thân quen với Đà Lạt, vì vậy khi anh liên lạc để tổ chức văn nghệ cho khoá, được nhiều bóng hồng đáp ứng. Tính tình điềm đạm, ít nói, không thích phê phán, chỉ trích người vắng mặt, anh sống nhiều với nội tâm, chỉ lắng nghe, ít đả phá. Khi đề cập đến những khuôn mặt nhạc sĩ bạn như Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền,… anh chỉ nhắc đến những bản nhạc hay của họ được nhiều người ưa thích.

Đối diện quân trường có trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân, thời gian liên lạc cho chương trình văn nghệ anh có “mối giao cảm” với hai cô giáo, trong đó có Ấu Lăng (em ruột của Bùi Tín). Điểm hẹn của chúng tôi, thông thường ở Thuỷ Tạ, khi có chuyện riêng tư tâm tình với nhau, ngồi trong nhà kiếng, bằng hữu ngoài cuộc đọc thơ Vũ Hoàng Chương “lũ chúng tôi lạc loài năm bảy đứa” ngồi ngoài nhìn sương đêm và hồ nước.

Thuở đó, tôi vẫn luyện chưởng, nghe nhạc cổ điển và thường kể những mối tình hoa mộng qua ngòi bút Kim Dung. Một buổi tối, ngồi nhậu ở Câu Lạc Bộ, nghe Dương Hùng Cường đang theo học khoá Căn Bản CTCT nói về cuộc tình đầy bi thương mà Hoàng Nguyên chấp nhận, tôi mới vỡ lẽ. Thảo nào, những lúc nhìn anh, thoáng hiện nỗi u buồn xa vắng mênh mông.


Ai Lên Xứ Hoa Đào – Lệ Thu

Bộ ba sáng tác về hoa đào Đà Lạt của Hoàng Nguyên, gồm: Bài thơ hoa đào, Ai lên xứ hoa đàoHoa đào ngày xưa đều được viết trên giọng trưởng (major), theo nhịp 2/4, 4/4 với tempo chậm. Nét nhạc mô tả cái bồng bềnh sương khói, đồi dốc núi non chập trùng gắn với những kỷ niệm đẹp thời thanh xuân ở một thành phố có vẻ đẹp phương Tây.

Nhưng Hoàng Nguyên còn có một ca khúc khác về Đà Lạt, một Đà Lạt với giọng thứ, nhịp chậm vừa diễn tả một nỗi buồn khắc khoải. Ca khúc này Hoàng Nguyên đứng tên chung với Ngô Xuân Hậu, tờ nhạc do tác giả tự in, phát hành tại Sài Gòn năm 1969. Có thể nói, đây là một sáng tác giàu thi tính, đi vào bầu không khí bâng khuâng u uẩn “kiểu Đà Lạt” với tâm trạng suy tư trước cuộc đời của những người trẻ trong thời loạn ly. Vẫn với cảm thức về hoa đào – cố nhân – thời gian ảnh hưởng từ tứ thơ trong Đề Đô Thành Nam Trang của thi nhân Thôi Hộ thời nhà Đường và nỗi ngậm ngùi chốn xưa của chàng Kim trong Kiều, Đà Lạt mưa bay được viết như mô phỏng những bước chân buồn bã trôi dạt trong cô quạnh giữa xứ sở đồi mưa sương mù mịt bủa vây, khi từng người, từng người thân yêu lần lượt rời xa.


Đà Lạt Mưa Bay – Thanh Lan

Bản nhạc này do Thanh Lan thể hiện khá thành công trong cuốn băng thứ 5, chương trình Phạm Mạnh Cương, Tú Quỳnh xuất bản, chủ đề Giọt Mưa Trên Lá, phát hành vào khoảng năm 1970. Mai Hương , Hoàng Oanh, Thanh Vũ, Elvis Phương cũng là những ca sĩ thể hiện bài hát này khá thành công.


Đà Lạt Mưa Bay – Hoàng Oanh

Đà Lạt mưa bay với giọng thứ (minor) nhịp 4/4, chia làm ba đoạn, như lời thầm thì tâm sự, kể lể tan theo âm hưởng của một cơn mưa bất tận nơi đô thị cao nguyên.

Ở hai đoạn đầu (đoạn thứ nhất, từ người đi rồi đến vương trên áo tôi; đoạn 2 từ giã tè học đường đến người mình không quen) tác giả sử dụng motif lặp với hai đoạn đơn có tái hiện mô tả tâm trạng buồn bã, mỏi mòn, đơn điệu của đời sống bằng chuỗi ca từ giàu chất trữ tình:

Người đi rồi, hai đứa mình ở lại
Dalat buồn trong nắng vắng chiều hôm
Sương mù nhiều vãi trên làn tóc rối
Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm

Chừ anh đi rồi mình tôi còn ở lại
Dalat buồn mưa mãi mãi không thôi
Sương ngủ trên đồi sương vây thành phố
Nhớ cánh hoa đào nào vương trên áo tôi

Giã từ học đường, hai bàn tay trắng
Đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay !
Tôi vẫn nghe trong đêm đầy kể [Em] lể
Ưu tư cuộc đời những đứa thương vay!

Dalat mưa hoài mưa ướt lạc vào hồn
Tôi về nhà trong lối ngõ không tên
Anh không về nên chuyến tàu đêm
Bỏ xuống âm thầm những người mình không quen

Phần coda (tôi ngồi đây bó gối chong đèn/ nghe mưa về gọi tôi ngoài phố) lại mở ra một khoảng không sầu hẫng. Cái kết nửa (imperfect cadence), dừng ở bậc 5 cuối một tiến trình rallentando ngắn, gợi cảm giác cô liêu, chơi vơi, lơ lửng. Chính điều này làm cho ca khúc trở nên đặc biệt, tạo ra mối đồng cảm, day dứt trong tâm hồn người nghe. Quan trong hơn, ca khúc trên đã đặc tả được những cơn mưa miên man khắc khoải ngày này qua tháng khác, những cơn mưa ngỡ như kéo dài từ kiếp này qua kiếp sau – kiểu mưa duy nhất chỉ có nơi đất trời Đà Lạt.

Trong ca khúc của Hoàng Nguyên, Đà Lạt như một chốn Thiên Thai diễm tuyệt, một cõi thiên đường u hoài của thời tuổi trẻ đã qua.

Những tình khúc về Đà Lạt đầy mỹ cảm nói trên đã cùng với Cho người tình lỡ, Thuở ấy yêu nhau, Tà Áo tím, Đường nào em đi, Lá rụng ven sông… làm nên một Hoàng Nguyên lãng khách, đa tình, dù trôi dạt lúc góc bể Côn Sơn hay nơi đô hội Sài Gòn, ngụp lặn trong biết bao phù trầm của số phận, sấp ngửa tình duyên, nhưng cái nhìn về đời sống ở ông vẫn nhẹ nhàng, trầm lặng, thắm thiết, duy tình. Đâu đó trong từng nét nhạc của ông vẫn thở ra màu bàng bạc sương khói của thành phố cao nguyên mà ông từng sống và nuôi mộng sáng tạo một thời thanh niên, với trái tim đa cảm và một tâm hồn đẹp.

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên mất vì tai nạn giao thông tại Vũng Tàu, năm 1973.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kính trọng gọi ông là một “cung đàn tài hoa bạc mệnh”.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thanh Niên)