Nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ sáng tác 20 ca khúc, nhưng rất nhiều trong số đó được coi là tuyệt phẩm và Mơ Hoa, Ngày Về là hai ca khúc được khán giả yêu thích nhất. Phía sau ca khúc Mơ Hoa là hình bóng của cô gái có cái tên rất đẹp Thục Đoan.
Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh năm 1924 mất vào năm 2017, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Bố ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh và từng giữ tới chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ.
Hoàng Giác học ở trường Bưởi, một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Trong số các bạn học của ông có nhiều người trở thành cái tên nổi tiếng của làng nhạc như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt Ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng Chiều Xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu Quyến Rũ)… Ngay từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Hoàng Giác đã bộc lộ niềm đam mê dành cho âm nhạc. Vì vậy, ông không chỉ học nhạc trong trường mà còn tự mày mò học nhạc qua sách vở. Các kiến thức nhạc lý của ông đa số tự học mà có.
Nói đến nhạc sĩ Hoàng Giác chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ về tuyệt phẩm Mơ Hoa. Phía sau ca khúc này là hình bóng của một cô gái ở độ tuổi trăng rằm. Cô gái ấy có mái tóc dài, dáng người “thon nhẹ” và đôi mắt sáng. Ngay từ lần gặp đầu tiên, cô gái đã chiếm trọn con tim của chàng thanh niên Hoàng Giác.
Cô tên là Lê Thục Đoan, sống cùng gia đình ở Hà Đông (thuộc Hà Tây cũ) nhưng có một thời gian lên Hà Nội để chăm bà nội và sống ngay gần nhà của Hoàng Giác. Cô hàng xóm xinh đẹp ấy đã gieo thương, gieo nhớ cho chàng nhạc sĩ nghèo. Hoàng Giác yêu nàng lắm, nhớ nhung nàng nhiều lắm nhưng chẳng dám tỏ tình. Ông chỉ giấu nó trong tim và ấp ủ sẽ viết tặng nàng một ca khúc.
Rồi một buổi sáng, sau khi hoàn thành bản nhạc đầu tay, Hoàng Giác hồi hộp tìm gặp nàng để thân tặng… nhưng nàng đã trở về Hà Đông và một thời gian sau, nhạc sĩ được tin nàng đã đi lấy chồng.
Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân
Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời
Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên,
Quên người gặp gỡ trong một chiều mơ.
Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa,
Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ, bóng mờ mờ xa.
Tan giấc mơ hoa
Bóng người khuất xa, đôi đường từ đây
Ai bước đi không hẹn ngày.
Người tuy xa cách nhưng lòng ta khắc ghi,
Bên đèn một bóng tháng ngày chờ mong
Lưu luyến chi nhau, thêm sầu đớn đau
Muôn trùng từ đây, trong gió sương thân giang hồ.
Đường xa xa tắp ngại ngùng chân bước quên,
Bên lòng thầm nhớ bóng hình người mơ.
Trên đường xa vắng bóng ai mờ khuất, lòng thêm vấn vương,
Gió thông xa đưa reo buồn sầu nhớ tới người chiều xưa
Cô hái hoa ơi!
Mắt mờ đoái trông, sao đành thờ ơ
Trong giấc mơ ta mong chờ
Dù hoa quen bướm âm thầm riêng có ta
Hoa còn tàn úa tơ lòng còn vương…
Chia sẻ về ca khúc nổi tiếng này, nhạc sĩ Hoàng Giác đã từng tâm sự: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên mơ ước có những bài hát của người Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ Hoa là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi.
Ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tất nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.
Mơ Hoa được sáng tác trong niềm vui, sự rộn ràng của con tim mới biết yêu nên tiết tấu vui tươi, rộn rã, được viết theo điệu Cha cha cha. Sau khi ra mắt Mơ Hoa được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện và có rất nhiều phiên bản thu âm, phối khí khác nhau. Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Giác có lần tâm sự, trong các phiên bản thu âm Mơ Hoa, ông ưng ý nhất là các bản của tài tử Ngọc Bảo và ca sĩ Elvis Phương.
Mơ Hoa- tiếng hát tài tử Ngọc Bảo
Theo bà Kim Châu, vợ của nhạc sĩ Hoàng Giác, trong suốt 60 năm qua, hàng năm, cứ đến dịp sinh nhật của Hoàng Giác và bà Kim Châu là bà Thục Đoan lại tới thăm, tặng hoa và chúc mừng sinh nhật. Dù gia đình ông bà Hoàng Giác đã nhiều lần thay đổi chỗ ở thì cái “lệ” đến thăm cũng không bao giờ thay đổi.
Ngược lại, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác cũng chẳng bao giờ quên sinh nhật bà Thục Đoan. Năm nào, họ cũng gửi hoa và quà để tặng bà. Mỗi khi đi du lịch hay đi chơi xa về, hai bà bao giờ cũng nhớ đến nhau. Đến tận bây giờ, hai người phụ nữ ấy vẫn gọi nhau bằng tên rất thân mật chứ không xưng chị – em. Con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng thường gọi là “Mẹ Đoan” đầy trìu mến mỗi khi đến nhà chơi.
Trong những giây phút cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Giác, bà Thục Đoan cũng ở bên cạnh ông. Đêm trước ngày ông ra đi, bà Thục Đoan tới thăm ông, nắm tay ông, trò chuyện rất lâu rồi khuya muộn mới chịu ra về…
Mặc dù cả hai gia đình đều biết về mối tình thơ của nhạc sĩ Hoàng Giác và bà Thục Đoan nhưng chẳng ai khó chịu vì điều đó. Với họ, những rung động đầu đời đẹp đẽ kia giờ đã trở thành kỷ niệm. Kỷ niệm đẹp đáng trân trọng. Thế nên, họ tôn trọng những kỷ niệm ấy, coi nó như một phần ký ức thiêng liêng.
Nhạc sĩ Hoàng Giác giờ đã như cánh chim bay xa, tới một phương trời đầy nhạc và thơ. Nhưng, những tuyệt phẩm của ông như Mơ hoa hay Ngày về vẫn sẽ ngân mãi, vang mãi trong trái tim của bao thế hệ yêu nhạc.
Theo Lê Anh (nguoiduatin.vn)
Nhạc sĩ Hoàng Giác và vợ – bà Kim Châu
Ngoài ca khúc Mơ Hoa thì bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hoàng Giác là Ngày Về, được ông sáng tác tặng cho người vợ Kim Châu trong những ngày đi tản cư kháng chiến. Sau năm 1946, nhạc sĩ Hoàng Giác tham gia đoàn Tuyên truyền xung phong. Trong lần được phép về thăm vợ con (khi đó đã tản cư tới Phúc Yên) để đánh dấu ngày gặp lại, Hoàng Giác viết Ngày Về. Một Ngày Về ngợi ca tình yêu. Một Ngày Về đơm hoa cho quá khứ đã tan nát…
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh”…