Nhạc sĩ Giao Tiên năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn miệt mài sáng tác, phổ nhạc cho thơ. Sau chuỗi năm tháng long đong phiêu bạt mưu sinh, người nhạc sĩ tài hoa này đang hưởng cái kết ngọt ngào bên căn nhà đơn sơ ở đất cảng Cam Ranh.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhạc sĩ của những bài hát nổi tiếng như: “Cô Thắm về làng”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”… vẫn hàng ngày chat với bạn bè qua facebook, phổ nhạc cho thơ theo yêu cầu, lâu lâu ông cũng xuất hiện ở những show diễn từ Vĩnh Long, Saigon đến Hà Nội. Ông dường như trẻ hơn, khỏe hơn, yêu đời hơn so với một thời gian dài lận đận, khốn khổ cũng chỉ vì niềm đam mê âm nhạc.
Một thời nhiều gian khó
Có lẽ hiếm có cuộc đời nghệ sĩ nào lại nhiều nhọc nhằn và thử thách như nhạc sĩ Giao Tiên. Đời ông không gặp nhiều may mắn mà chỉ có tài năng giúp ông vượt lên muôn vàn khó nhọc.
Nhạc sĩ Giao Tiên kể rằng hồi trẻ ông thường xuyên nghe đài phát thanh, rồi máu âm nhạc cứ thế lớn dần. Năm 1970, ông sáng tác bài “Phận gái thuyền quyên” gây tiếng vang lớn, từ đó ông viết liên tục, viết đến đâu bán được đến đó. Những bài nổi tiếng như: “Cô Thắm về làng”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, “Nhớ người yêu”… đều ra đời từ năm 1970 đến 1975.
Sau 1975, cả gia đình nhạc sĩ Giao Tiên dắt díu nhau về Bù Đăng, Sông Bé (tỉnh Bình Phước hiện nay) làm rẫy mưu sinh theo diện kinh tế mới. Cuộc sống lo toan miếng cơm manh áo cho đàn con nheo nhóc khiến ông quên mất mình là một nhạc sĩ. Bàn tay chỉ quen viết nhạc không chịu nổi việc làm rẫy, đi rừng nên năm 1986, vợ chồng nhạc sĩ lại dắt díu nhau lên Đà Lạt buôn bán cùng người cháu họ. Công việc không thuận lợi, năm 1990, ông lại đưa vợ con về Cam Ranh làm lại từ đầu bằng nghề nuôi tôm. Nhưng rồi tôm chết, bán đìa không đủ trả nợ, vợ chồng ông lại chuyển sang nghề gói bánh chưng để nuôi con ăn học.
Vào một buổi sáng năm 1994, trong lúc ngồi gói bánh chưng, nhạc sĩ Giao Tiên bất ngờ nghe ca sĩ Đình Văn hát bài “Tình đẹp mùa chôm chôm” do chính ông sáng tác. Ông lao ra đường thì phát hiện giọng hát phát ra từ chiếc xe bán cà-rem. Sững người, ông chạy theo xin được nghe lại rồi hỏi thăm về nơi sản xuất bài hát này, nhưng người bán cà-rem không biết. Thế là nhạc sĩ đi Sài Gòn hỏi thăm nơi phát hành các bài hát của mình, nhưng khi đến nơi thì lại bàng hoàng vì tất cả đều để tên tác giả là một người bạn của mình (nhạc sĩ Vinh Sử). Hóa ra, vì vắng mặt hơn 20 năm để mưu sinh nên nhiều người nghĩ rằng nhạc sĩ Giao Tiên đã chết hoặc biệt tích, Vinh Sử nhân đó đã “cuỗm” không ít bài của nhạc sĩ Giao Tiên, đổi qua tên mình và bán cho các trung tâm âm nhạc.
Về chuyện bị ăn cắp bản quyền, thay tên tác giả, nhạc sĩ Giao Tiên tâm sự: “Có lẽ ở Việt Nam, tôi là nhạc sĩ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhiều năm. Giờ thì đỡ hơn rồi, nhưng những thủ đoạn ăn cắp bản quyền vẫn còn rình rập mà mình không lường trước được”.
Các sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên đa số là đều nhẹ nhàng, trữ tình, mang hơi thở gần gũi và bình dân. Trong hàng trăm bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Giao Tiên, có một bài mang không khí khác lạ, được nhiều người yêu thích là Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, nổi tiếng trước năm 1975 với giọng ca Hùng Cường.
Trong nhạc vàng, các bài hát viết về tình yêu thường dùng những hình ảnh ước lệ nhẹ nhàng, thơ mộng. Nhưng trong Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, nhạc sĩ lại chọn hình ảnh những chú ngựa phiêu du, tung vó trên đồi cỏ để nói lên tiếng lòng mình. Bài hát chính là nỗi lòng của tác giả, khao khát tự do mãnh liệt để được sống trong khoảng trời rộng lớn của tình yêu.
Nói về cảm hứng sáng tác và cái tên đặc biệt của ca khúc Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ: “Lúc sáng tác ca khúc này tôi tự ví bản thân như một chú ngựa trên thảo nguyên rộng lớn đang đi tìm người bạn đời. Tôi giải phóng tâm hồn mình trước những quan niệm, hình ảnh cũ và thả hồn vào một thế giới trừu tượng khác để âm nhạc được bay bổng, mới lạ hơn. Thật sự ca khúc này có ca từ rất dễ hát, phù hợp với mọi hoàn cảnh nên may mắn được đông đảo khán giả yêu thích”.
Bài hát này được nhiều ca sĩ cả trong nước lẫn hải ngoại trình bày. Có nhiều trường hợp hát sai lời khá ngô nghê và buồn cười, cụ thể là phiên bản của Trường Vũ và hầu hết ca sĩ trẻ khác. Thay vì lời nhạc là:
Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối
Anh sẽ đưa em, đưa em đi về, về lối TRĂNG hiền
Còn ai đợi chờ nữa không em
Còn ai DẶN DÒ nữa không em…
Ca sĩ lại hát là:
Anh sẽ đưa em, đưa em xa rời vùng mây tăm tối
Anh sẽ đưa em, đưa em đi về, về lối CHÂN hiền
Còn ai đợi chờ nữa không em
Còn ai GIẬN HỜN nữa không em
TRĂNG HIỀN hát thành CHÂN HIỀN, tuy vô nghĩa nhưng tạm chấp nhận được, nhưng hát DẶN DÒ thành GIẬN HỜN thì làm cho người nghe cũng phải phì cười. Ở đây, nhân vật trong bài hát muốn hỏi người yêu là “còn ai dặn dò” gì nữa không để rồi theo nhau đi về chốn bình yên sau 10 năm hoang phí tuổi hoa niên. Ca sĩ lại hát thành GIẬN HỜN, không biết là ai hờn giận ai nữa.
Có thể đối chiếu lời gốc của tác giả trong tờ nhạc dưới đây:
Bài Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non được Hùng Cường hát trước năm 1975:
Tổng hợp từ báo Khánh Hòa, NLD