Trong số hàng chục nghệ sĩ từng bày tỏ tình yêu đơn phương với Thanh Thúy, dư luận ghi nhận một người “can đảm” đi hết “con đường tình… một chiều” dài thăm thẳm của mình, mà không hề có khoảnh khắc ngập ngừng nào, đó là nhà thơ, tài tử, đạo diễn Nguyễn Long.
Nguyễn Long cũng là tác giả của phần lời bài hát Thôi nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân, là bài thơ thất tình sầu muộn mà Nguyễn Long gửi về Thanh Thúy:
Ôi cuộc đời, đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái.
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn, mùa thu ơi
Em đừng nhớ nữa chuyện của mình
Kiếp nay đành lỡ duyên rồi
Người đẹp Thanh Thúy
Trước khi thực hiện phim “Thúy Đã Đi Rồi” vào cuối năm 1961 với nhân vật chính là ca sĩ Thanh Thúy (do ca sĩ Minh Hiếu đóng), ông đã thực hiện tất cả ba vở kịch, mà Thanh Thúy đều là linh hồn chính…
Đó là các vở kịch “Ghen” được diễn tại rạp Cathay và sân khấu Anh Vũ – với Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp cùng các diễn viên Ba Bé, Linh Sơn, Nguyễn Long… vào đầu năm 1960.
Vở kịch thứ hai, tựa đề “Khi Người Ta Yêu Nhau” diễn tại rạp Hưng Đạo, cũng trong năm 1960 – với Kim Cương nhập vai Thanh Thúy, cùng Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé và Nguyễn Long.
Vở kịch thứ ba, có tên “Tan Tác” cũng vẫn Kim Cương vai Thanh Thúy, cùng với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và Nguyễn Long…
Không biết có phải vì thấy rằng ba vở kịch viết riêng cho “tiếng hát liêu trai” vẫn chưa đủ “nặng ký” để Thanh Thúy chú ý tới tình yêu cuồng nhiệt của mình, nên tháng 11 năm 1961, Nguyễn Long viết kịch bản và quay cuốn phim nhựa “Thúy Đã Đi Rồi” với Minh Hiếu vai Thanh Thúy, Yến Vĩ vai Thanh Mỹ (em ruột Thanh Thúy); và Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa cùng rất nhiều nghệ sĩ khác, như Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, Hề Minh…
Đạo diễn Nguyễn Long
Được biết, nội dung cuốn phim mô tả một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Ông bị ám ảnh tới mức thấy thiếu nữ nào, ông cũng liên tưởng tới người ca sĩ mà ông đã đem lòng tương tư đêm, ngày. Cuối cùng, trong một phút bốc đồng, mất kiểm soát, người đạo diễn kia đã bắt cóc và giết chết cô ca sĩ. Tuy nhiên, không nhờ thế mà ông ta xóa nhòa được hình ảnh cô ca sĩ trong tâm tưởng. Cuối cùng người đạo diễn đã chọn khung cảnh trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để tự vẫn.
Bài hát Thúy Đã Đi Rồi của Y Vân sáng tác, dùng cho nhạc phim
Phải chăng vì tính bi thảm quá dữ dội của nội dung phim, nên phim “Thúy Đã Đi Rồi” bị cấm tới năm 1964 mới được phép công chiếu (?). Đến khi đó thì Nguyễn Long đã lập gia đình. Do đó, vì tế nhị, Nguyễn Long kể rằng: “…Phim chỉ được chiếu một lần ở Sài Gòn và một lần ở Huế! Nhưng dù sao thì cuốn phim cũng đã được biết đến một cách rộng rãi trong quần chúng.”
Vẫn theo Nguyễn Long thì sự phổ cập của cuốn phim, sớm trở thành một “cách nói” mới. Đó là khi tìm bạn, không gặp, người tìm đã để lại lời nhắn rằng “Thúy đã đi rồi!”
Tài tử Nguyễn Long cũng ghi thêm, thời gian kể trên là thời gian Thanh Thúy nghỉ hát để lo chuyện gia đình: Cô thành hôn với Đại Úy Không Quân Ôn Văn Tài, năm 1963…
Mối tình đơn phương của ca sĩ Duy Khánh
Trong hồi ký của mình, Nguyễn Long cũng kể chuyện đầu năm 1963, ca sĩ Duy Khánh (một trong những nghệ sĩ cũng từng âm thầm theo đuổi Thanh Thúy nhiều năm trước), tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở ba nơi: Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị.
Về phần kịch, Duy Khánh chọn diễn mấy vở của Nguyễn Long cùng với ban nhạc Thăng Long, Thanh Thúy, Mai Vi, Khánh Băng và, Nguyễn Long.
Tài tử Nguyễn Long
Sau đêm hát cuối cùng ở Quảng Trị, hôm sau mọi người trở lại Đà Nẵng để lên máy bay về Sài Gòn. Theo sắp xếp thì trên chiếc xe hơi hiệu citroen từ Quảng Trị về Đà Nẵng sẽ có vợ chồng Nguyễn Long, Hoài Bắc, Thanh Thúy và Duy Khánh. Tuy nhiên, để bày tỏ tình yêu, cũng như cho thấy sự… can đảm vì tình yêu, Duy Khánh nhất định không đi xe hơi mà một mình chạy chiếc vespa từ Quảng Trị về sân bay Đà Nẵng.
Đường xa có tới hàng trăm cây số, theo Nguyễn Long, đường đi có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên, xuống đèo rất nguy hiểm… Nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc vespa như bay trước mũi xe citroen…
Nguyễn Long viết: “Nhiều khi anh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và sẵn sàng… được chết. Những trường hợp như thế hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười…”
Sự việc diễn ra ngay trước mắt này, khiến Nguyễn Long chợt nhìn lại mình. Ông từng có 400 đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Ông cũng có chín lần lái xe đâm thẳng vào quán Anh Vũ, lúc Thanh Thúy, có mặt, trình diễn. Ngoài ra, trong thời gian quay phim “Thúy Đã Đi Rồi” ở Huế, thình lình nhận được điện thoại của “tiếng hát liêu trai,” Nguyễn Long đã lái xe từ lúc 5 giờ sáng ở Huế, để có mặt tại Sài Gòn 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do…
Ông tâm sự: “Rất nhiều lần tôi tỏ ra là một cây si… ‘nặng ký,’ nhưng cũng chỉ nhận được nụ cười, như nụ cười Thanh Thúy đã dành cho Duy Khánh mà thôi”.
Sau năm 1975, mãi tới tháng 5 – 1981, người đạo diễn và đóng vai chính trong cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi” mới gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco.
Thanh Thúy và Nguyễn long tại hải ngoại
Nguyễn Long viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình và thấy Thanh Thúy hát trên sân khấu San Francisco, tôi thấy Thúy muôn đời không thay đổi. Thúy là người ca sĩ, bạn hiền nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Giọng hát của Thúy vẫn như xưa. Có phần chắc hơn, già dặn và rung cảm hơn. Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình, không sút giảm dù qua biết bao thăng trầm của đất nước và cá nhân…”
Bài hát Thôi được nhạc sĩ Y Vân phổ thơ của Nguyễn Long, lời bài hát là tâm sự gửi về Thanh Thúy.
Theo Nguoi-Viet