Khát vọng hòa bình trong bài hát Qua Cơn Mê

Trong những bài nhạc vàng sáng tác trước 1975, có rất nhiều bài hát nói về khát vọng hòa bình của người dân. Sau nhiều năm chinh chiến triền miên, chứng kiến bao nhiêu khổ đau, chia lìa, lúc đó khát vọng chung lớn nhất của mọi tầng lớp là có được một cuộc sống bình yên. Những người nhạc sĩ đương thời đã viết thành bài hát để nói thay cho tâm tình đó, nổi tiếng nhất là hai bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khi’.

Nhạc sĩ Nhật Ngân từng nói trong một buổi phỏng vấn: Vào lúc hòa đàm Ba Lê đang diễn ra (quá trình đàm phán hiệp định Paris diễn ra từ năm 1968 đến 1972, ký năm 1973), ở miền Nam ai cũng nghĩ hòa bình đang đến với đất nước. Các nhạc sĩ cũng hòa chung trong niềm vui đó nên đã viết những ca khúc hân hoan chào đón hòa bình, như là chào đón một buổi bình minh mới của đất nước. Khi đó Trầm Tử Thiêng đã viết Mai Kia Hòa Bình, Song Ngọc viết Một Ngày Tàn Chinh Chiến, Hoàng Thi Thơ viết Việt Nam Ơi Ngày Vui Đã Tới, Hàn Châu viết Ngày Mai Tôi Về… còn Nhật Ngân và Trần Trịnh thì viết Qua Cơn MêMột Mai Giã Từ Vũ khi’… (Tuy nhiên ngay sau đó, họ đã nhanh chóng thất vọng vì đó chỉ là một hòa bình giả tạo khi chiến tranh leo thang còn cao hơn).

Bài hát Qua Cơn Mê (Nhật Ngân & Trần Trịnh) được sáng tác trong khoảng năm 1971, lúc Hiệp Định Paris vẫn đang ở quá trình đàm phán, lúc đó người dân miền Nam quen gọi quá trình đó là “hòa đàm”. Ở tên bài hát, tác giả sử dụng chữ “Cơn Mê”, có lẽ là để ẩn dụ về cuộc chiến tranh kéo dài. Có một lần, chính nhạc sĩ Nhật Ngân cho biết là theo ông, cơn mê trong tựa đề này là sự không tỉnh táo. Cả một dân tộc đã không tỉnh táo, dắt nhau vào một cơn mê chung và kéo dài niềm thống khổ. Khi qua được cơn mê, chúng ta sẽ “tỉnh táo” để tìm cách chung sống hòa bình. Tác giả bài hát cũng mong muốn rằng: Tình người sau cơn mê vẫn xanh dù bao tháng năm đau thương dập vùi

Qua Cơn Mê là mong ước đến một tương lai mới với “mầm xanh tươi”, “lá hoa thật nhiều” – đó là một tương lai tươi đẹp ấm no, mang đến yêu thương khắp chốn cho mọi người: “trái yêu thương đầy cành hái đem cho mọi người”. Cuộc sống “bềnh bồng” trước đây với niềm “đau thương dập vùi” sẽ trở lại tươi vui. Mọi người sẽ được quên được “cơn mê” đó và trở về tuổi ấu thơ – đi “theo lũ em học hành như xưa”. Vì vậy Qua Cơn Mê có nghĩa là mọi người đã được “giải thoát”. Đây là một ca khúc rất xứng đáng cho một đất nước hòa bình và yên vui.

Dù đằng sau bài hát là bối cảnh chiến tranh, nhưng Qua Cơn Mê” không có hình ảnh nào của chiến tranh. Không có lính, không có su’ng, và cũng không có hình ảnh nào của mâu thuẫn người với người. Mọi người “thành giòng xuôi về ngọt quê hương”. Có lẽ vì hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân viết rất hay và đầy ẩn dụ như vậy nên năm 2011, bài hát này đã được cấp phép hát ở Việt Nam.

Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em
Ngày gió mưa không còn nên đường dài thật dài, Ta mặc tình rong chơi
Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa, xui một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà

Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng bóng mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa

Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành giòng xuôi về ngọt quê hương
Ngày đó tay em dài vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn truyện trên mây
Còn tôi như cánh chim sẽ bay đi muôn phương mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành hái đem cho mọi người

Bài hát Một Mai Giã Từ Vũ Khi’ được Nhật Ngân sáng tác khoảng năm 1972 và ký tên Ngân Khánh (tên của con gái ông, cũng đề tên này trong bài khác là Cám Ơn). Sẽ không bắt gặp một từ ngữ nào về kẻ thù, về những ý thức hệ trong bài hát này, mà chỉ là sự chờ đợi đến héo hon cho một ngày hòa bình. Đối lập với những hãi hùng của trận địa: thép gai giăng, lũy hào sâu, lỗ châu mai… là hình ảnh thanh bình của ruộng nương, cây đa khóm trúc hàng cau… cùng xuất hiện trong bài hát. Bản chất hiền lành của những anh lính trận sẽ được trả về với “vòng tay mở rộng thương mến bao la”.

Đó là hai trong rất nhiều bài hát có chủ đề chính là niềm mong mỏi hòa bình, tuy đơn sơ nhưng lại rất xa vời. Còn rất nhiều bài hát khác, thậm chí là bài hát mang chủ đề khác, các nhạc sĩ vẫn lồng những câu chữ thể hiện khát khao một ngày lửa chinh chiến tàn. Ví dụ một số bài:

  • ta đón nhau về khi non nước yên bề sông núi vào hội yêu thương (Người Tình Và Quê Hương – Trịnh Lâm Ngân)
  • một thời gian qua, nước non vui niềm thái hòa… (Buồn Chi Em Ơi – Lam Phương)
  • khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới… (Những Đóm Mắt Hỏa Châu – Hàn Châu)
  • cho em mơ có một chiều nắng đẹp tình đất nước, người về vui hạnh phúc tương lai… (Chuyện Tình Người Đan Áo – Trường Sa)
  • ước mong nước non mình hết ngày chinh chiến điêu linh (Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương – Minh Kỳ)
  • nếu tan chiến cuộc anh rời bỏ chốn xa thành phố (Đưa Em Về – Dạ Cầm)
  • quê hương khói lửa mỏi mòn sẽ rồi bình yên tiếng cười lại reo vui (Hát Cho Mai Sau – Trịnh Lâm Ngân)

Đông Kha (Ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)