Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác nhạc chủ yếu về đề tài tình yêu quê hương, đất nước, đó là những bài Đường Về Hai Thôn, Thuyền Hoa, Tàu Về Quê Ngoại… Trong các sáng tác của ông, chỉ có 2 bài hát viết về người lính, và đều trở thành bất tử: Trăng Tàn Trên Hè Phố và Những Ngày Xưa Thân Ái.
Trong bài trước, người viết đã có dịp nhắc tới bài hát Trăng Tàn Trên Hè Phố . Bài viết này sẽ tìm hiểu về xuất xứ bài hát Những Ngày Xưa Thân Ái.
Phạm Thế Mỹ sinh quán ở Bình Định, có hai người anh trai đều viết văn. Người anh đầu tên là nhà báo Phạm Văn Ký, đã định cư ở Pháp từ thập niên 1960. Người anh thứ hai là Phạm Hổ, tập kết ra Bắc năm 1954, trở thành nhà thơ có đóng góp đặc biệt về thể loại văn học thiếu nhi ở miền Bắc. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở lại hoạt động trong Nam (cán bộ miền Bắc nằm vùng), làm công tác tuyên huấn kiêm phóng viên cho báo Quân Đội Nhân Dân ở Liên Khu 5 của Việt Minh (gồm 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tom, Gia Lai) lúc ông hơn 20 tuổi (đầu thập niên 1950). Sau 1954, ông được đơn vị bố trí ở lại miền Nam để hoạt động.
Khi Phạm Hổ in tập thơ Những Ngày Xưa Thân Ái ở miền Bắc, thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”.
Nếu ở trong Những Ngày Xưa Thân Ái của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nội dung bài hát được hiểu là hai người bạn thân từ thuở nhỏ, lớn lên trong chiến tranh mất mát. Khi một người nghe được tin bạn mình gục ngã trên chiến trường, anh đã thương nhớ và hồi tưởng lại những ngày xưa thân ái.
Còn ý nghĩa trong bài thơ Những Ngày Xưa Thân Ái của nhà thơ Phạm Hổ, đó là hai người bạn ở hai chiến tuyến khác nhau. Dưới đây là nguyên tác bài thơ của Phạm Hổ, xuất bản ở miền Bắc:
Tôi bắ.n hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắ.n hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xá.c hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.
Ngay câu đầu của bài thơ là “Tôi bắ.n hắn rồi”. Hai người bạn thân thời ấu thơ, sách vở cặp chung, thời cuộc đã đưa họ về hai chiến tuyến, cầm su’ng bắ.n vào nhau. Đó là lời buồn quê hương hai mươi năm mà ai nghĩ về cũng thấy một nỗi xót xa. Phạm Hổ nói rằng người bạn đã “theo giặc mấy năm nay”, vì vậy tình nghĩa của “những ngày xưa thân ái” không thể nào ngăn ông làm nhiệm vụ, bắ.n vào người bạn mà ông cho rằng không phải là người bạn năm xưa nữa.
Khi Phạm Thế Mỹ nhận được bài thơ của người anh của mình, ông đã dựa vào đó viết thành nhạc. Lúc đó Phạm Thế Mỹ sống ở miền Nam, nhạc của ông được các ca sĩ miền Nam hát, vì vậy ông không thể viết nhạc theo đúng nguyên bản nội dung bài thơ. Hai người bạn trong bài hát không cầm su’ng bắ.n vào nhau, mà trở thành hai người chung chiến tuyến: “như lời anh nhắc nhở ôi căm hờn dâng ngập lối”
Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?
Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ
Trong bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền
Đêm đêm nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ, anh còn nhắc tên tôi?
Đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ bên đồi hoa trắng nở, cuộc đời anh có vui?
Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu?
Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương
Những đường xưa phố cũ ôi nỡ đành quên sao
Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh
Anh giờ yên giấc ngủ tôi nằm nghe súng nổ
Như lời anh nhắc nhở ôi căm hờn dâng ngập lối
Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi? tôi còn gì cho em?
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em!
Đông Kha