Những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc như Về Đây Nghe Em, Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội… vẫn đang được ái mộ mặc dù đã được sáng tác từ trước năm 1975.
Nhạc của ông không bị lệ thuộc thời gian. Ca khúc “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” tuy được sáng tác vào năm 1972 nhưng người nghe khó phân biệt được nó với những ca khúc về Hà Nội trong thời gian gần đây.
Cũng tương tự, nhạc phẩm “Về Đây Nghe Em” tuy xuất hiện trước năm 1975, nhưng người nghe hải ngoại 40 năm sau vẫn tưởng Trần Quang Lộc sáng tác cho mình!
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi
Nghe Elvis Phương hát Về Đây Nghe Em trước năm 1975
Những ca từ hết sức dễ thương này như đi thẳng vào lòng người nghe với tất cả ngạc nhiên thích thú. Người con trai thầm thì bên tai cô gái những lời ru buồn nhưng thanh khiết, có khả năng lay động những bức tường kiên cố nhất cản trở bước chân cô.
Chàng trai không có gì để trao đổi lại với lời yêu cầu nhưng cô gái biết rằng những âm thanh ngập ngừng đứt quãng này phát xuất từ một trái tim rất hồng đang đập những nhịp điệu yêu thương về cô, người con gái bé nhỏ đang chơi với giữa giòng đời lạ lẫm.
Người nghe những lời thầm thì này bên ngoài đất nước Việt Nam sẽ nghĩ rằng từ nơi đất mẹ xa xôi, chàng trai xưa cũ đang cố thuyết phục người yêu làm một cuộc trở về, trở về với quê hương thanh tú chứa đầy kỷ niệm.
Hình ảnh đôi guốc mộc bình dị là thế nhưng lại có khả năng gây xao động cả một giòng sông ký ức. Người xa quê ai mà không nhớ những hình ảnh chân quê, mộc mạc này.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể:
“Tôi viết Về Đây Nghe Em năm 1969-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán Bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave…những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…
Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng…cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc Về Đây Nghe Em.
Bài hát này sau đó cũng được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã nhiều năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó”.
Thì ra là vậy! Ca khúc “Về Đây Nghe Em” có tuổi đời già hơn nhiều người lầm tưởng!
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể lại tiểu sử bài hát được nhiều người yêu thích này khiến vỡ ra rằng đây không phải là bài hát được sáng tác tại hải ngoại sau khi hàng triệu người bỏ nước ra đi.
Vậy mà lạ thay, cái hồn phách của nhạc phẩm này sao chừng như gọi mời người con xa xứ lắm vậy. Chiếc áo the, đôi guốc mộc, nồi khoai, hạt lúa mới… không phải đang gợi lại hình ảnh khó quên trong tâm trí hay sao…
“Tôi bắt đầu viết nhạc vào khoảng năm 1967. Tôi học trường âm nhạc Huế và sau đó tôi về Sài Gòn theo học tại nhạc viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, về môn hòa âm sáng tác. Hiện nay tôi đi dạy nhạc và sống tại Bà Rịa Vũng Tàu”.
“Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”
Một bài hát rất nổi tiếng khác của Trần Quang Lộc sáng tác trước năm 1975 nhưng có lẽ có đến 100% khán giả nhầm là sáng tác sau này, đó là bài Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ của thi sĩ Tô Như Châu. Về nhạc phẩm nổi tiếng này nhạc sĩ cho biết:
“Bài hát này tôi sáng tác năm 1972, tôi về Sài Gòn nghỉ hè thì gặp anh Tô Như Châu. Anh ấy cho xem bài thơ “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”, bài thơ viết dài lắm năm sáu trang gì đấy tôi lấy ý bài thơ viết lại thành ca khúc. Bài này viết trước năm 1975, hồi đó được Thái Thanh hát nhưng sau đó ngưng không được phổ biến.
Mãi đến năm 1993 thì ca khúc này được nhiều ca sĩ hát, trong đó ca sĩ Thu Phương được giải thưởng bài hát này đứng đầu Top Ten trong chương trình nhạc Top Ten ở Sài Gòn được giải nhất mà kéo dài trong một năm. Bài này cũng được giải thưởng ca khúc viết hay nhất trong năm của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trao giải cho tôi”.
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ..
Trần Quang Lộc có đôi mắt xanh nên sớm nhìn ra tài năng của nhà thơ Tô Như Châu cùng những lấp lánh châu báu nằm bên dưới ngôn ngữ của bài thơ:
Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?
Khi lời thơ được những nốt nhạc tương cảm nâng lên thì bài thơ như chấp cánh. Đôi cánh âm thanh mang lời thơ lượn lờ trong không gian Hà Nội xưa gây cho người nghe bao nhiêu là cảm hoài, và nếu được sinh ra từ Hà Nội không chắc người nghe có cầm được nôn nao khi lá vàng từng chiếc rơi trong nỗi nhớ hay không!
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.
“Bên trời xa sương tóc bay” câu thơ vang lên như tiếng chuông chiều làm bâng khuâng hoàng hôn. Trời xa làm cho hơi sương mù mịt hay thời gian mịt mù làm cho tóc bay trong sương chiều lan tỏa. Câu thơ mở ra thật rộng cho người đọc cảm thụ cái vi tế của nó và tiếng hát của người ca sĩ não nuột hơn mang Hà Nội lúc xa lúc gần.
Cuối cùng nhà thơ an ủi lấy mình như người thợ săn hụt hơi đuổi theo con mồi trong không gian lả tả lá vàng…
Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát
Theo Mặc Lâm (RFA)