Vào những năm của thập niên 1960, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm viết khá nhiều bài hát, nhưng có lẽ nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của ông trong một đời sáng tác chính là bài “Gọi Người Yêu Dấu”.
Hoàn cảnh sáng tác của bài hát này là một câu chuyện tình buồn và có nhiều uẩn khúc được chính nhạc sĩ kể lại. Đó là vào khoảng 1968-1969, một người bạn đã gửi gắm một cô bạn của ông cho nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Cô này đang mang thai được vài tháng. Người đẹp đi tị nạn “bầu bì”.
Ngày xưa mỗi khi bị nạn kiểu đó, các cô gái thường bị gia đình “tống” cho đi ở thật xa, thật hoang vắng cho đến khi sinh nở xong thì lại trở về để che giấu, giữ lại thanh danh cho gia đình. Vì thế vào thời đó mỗi khi thấy cô nào “bặt tăm” một thời gian không rõ lý do, người ta thường suy đoán: “chắc lại trốn đi đẻ” rồi!
Từ năm 1966, Vũ Đức Nghiêm đang là đại uý, được giao chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn, tỉnh Tuyên Đức (có tỉnh lỵ đặt tại thị xã Đà Lạt), và sau đó giữ nhiệm vụ Trưởng phòng hành quân, tiểu khu Tuyên Đức.
Khi ấy Vũ Đức Nghiêm cũng đang được giao công việc quản lý một số biệt thự ở Đà Lạt. Cô gái trẻ mắc nạn được ông nhạc sĩ chăm sóc chu đáo, ở lại trong một biệt thự thơ mộng của xứ sở sương mù Đà Lạt. Ban đầu chỉ là bổn phận giúp bạn, cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn tránh thế gian. Nhưng với sự gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày, và “hình dáng mong manh” của người đẹp này đã khiến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được, dù cho lúc đó ông đã có vợ con đề huề (Vũ Đức Nghiêm cưới vợ năm 1954 tại Hà Nội).
Vợ chồng nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm trong ngày cưới
Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn là cũng góp phần vào mối tình oan trái này. Sau khi cô gái sinh nở mẹ tròn con vuông, cha mẹ đem cô về lại, rồi họ đôi ngả chia ly từ đó. Mỗi chiều nhìn trời Đà Lạt, nghe rừng thông vi vu, mỗi gốc cây bụi cỏ đều gợi nhớ cho Vũ Đức Nghiêm về “cành lan mong manh”. Trong sự xúc động của nỗi nhớ nhung người tình ấy, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm viết “Gọi Người Yêu Dấu”.
Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi
thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương.
Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi?
Người yêu dấu ơi, thu về tim vẫn đơn côi.
Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.
Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.
Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng…
Thương em mong manh như một cành lan.
Gọi người yêu dấu xa vời.
Mà lòng lưu luyến bồi hồi.
Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi khi chiều nhẹ rơi…
Gọi người yêu dấu muôn đời.
Nghẹn ngào không nói thành lời.
Tình yêu xưa ngày tháng phai phôi biết bao giờ nguôi…
Năm 2005, trong đêm nhạc “Vũ Đức Nghiêm – nửa thế kỷ viết ca khúc”, cố nhà báo Bùi Bảo Trúc đã bày tỏ:
“Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ. Còn ở đây chúng tôi xin sửa lại chút xíu, đằng sau mỗi ca khúc thành công là… sự bao dung của người phụ nữ. Thưa chị Vũ Đức Nghiêm, chúng tôi xin cảm ơn sự bao dung của chị vì nếu không có sự bao dung độ lượng ấy thì ca khúc “Gọi Người Yêu Dấu” đã không được chào đời và chúng tôi đã thiệt thòi biết bao vì không được nghe, được hát một nhạc phẩm dễ thương như thế”.
Chính nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng thừa nhận những lời mà nhà báo Bùi Bảo Trúc nói: “Phải nói bà xã tôi là người rất độ lượng. Tôi bay bướm nhưng vợ vẫn chung thủy. Bao năm tù cải tạo, vợ ở nhà nuôi con thay chồng và vẫn chờ đợi. Trong cơn lốc cuồng bạo của thời cuộc, khi người lính trở về, không gì quý báu bằng hình ảnh người vợ tựa cửa chờ mong”.
Ngày trở về, có người vợ chờ mong
Trước 1975, ca sĩ Thanh Lan là người đầu tiên chuyển tải bài hát này đến công chúng. Như là một định mệnh, vào năm 1969 khi Thanh Lan hỏi nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm có bài hát nào mới hay không, và nhạc sĩ đã gửi “Gọi Người Yêu Dấu” cho cô. Giọng hát nhẹ nhàng của tiếng hát học trò lúc ấy của Thanh Lan đang được giới học sinh sinh viên mến mộ. Đó là vì dáng dấp thanh mảnh của Thanh Lan, đôi mắt biết nói, cử chỉ duyên dáng và cả vì Thanh Lan đang là sinh viên Văn Khoa. Không chỉ được giới sinh viên đón nhận, “Gọi Người Yêu Dấu” nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người nghe nhạc, trở thành một trong những bài tình ca tiêu biểu của miền Nam trước 1975 và còn hát mãi cho đến ngày nay sau 50 năm.
nhacxua.vn biên soạn
Dựa theo bài viết của Hoàng Lan Chi