Đã bao nhiêu hôm rồi, anh vẫn lang thang vô định trên con phố dài buồn tênh. Bóng chiều đang dần tàn úa, nắng đã tắt ở cuối trời, anh chưa biết đi về đâu, khi trong lòng còn đang giông bão, không một nơi nương tựa trú ẩn nào. Thành ghế đá quen thuộc kia nay đã lẻ loi dưới ánh đèn công viên vàng vọt, thiếu vắng bóng dáng xưa êm đềm, và ái ân ngày cũ thì cũng đã đâu còn gì nữa.
Cuộc đời này bỗng chốc hóa thành hư không, lạc loài và cô đơn quá. Đánh rơi mất cuộc tình rồi, anh như một đứa trẻ bỗng bơ vơ vì lạc mẹ. Hình bóng cũ người xa xưa, xin ngủ yên vào dĩ vãng, còn lại đây vây quanh mình một nỗi quạnh vắng không gọi thành tên. Vẫn biết tình đầu thường chia ly và khó kết tròn mộng, nhưng trong lòng người không thể ngăn được cơn bão nổi từng cơn.
Xin làm chim mỏi cánh đường bay, xin cơn mưa mau hãy xối tuôn đi những muộn phiền đang giằng xé tâm can. Nước mắt đêm tạ từ này đây xin là lần sau cuối và chờ đón một ngày mai yên bình.
Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên song
Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa êm đềm
Thành ghế đá chiều công viên
Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi
Người đi đi ngoài phố, chừng bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài
Hình bóng cũ người xa xưa
Còn đâu, còn đâu?
Tình duyên đã lỡ làng
Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh
Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời,
Nhưng mấy khi tình đầu, kết thành duyên mong ước
Mấy khi tình đầu, kết trọn mộng đâu em
Xin từ giã đường phố trắng mưa mau
Làm chim bay mỏi cánh
Nước mắt đêm tạ từ
Thành phố cũ người yêu xưa
Còn đâu, còn đâu?
Giờ đây xin giã từ
Đó là câu chuyện được diễn giãi bằng lời văn của ca khúc nổi tiếng Người Ngoài Phố của nhạc sĩ Anh Việt Thu, là bài hát Bolero kinh điển của dòng nhạc vàng, được nhiều khán giả trước và sau năm 75 yêu mến.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời vì bạo bệnh từ năm 1973, nên hoàn cảnh, xuất xứ những sáng tác bất hủ của ông thường trở thành bí ẩn, hoặc được kể lại bởi những câu chuyện không thể xác thực. Một trong những câu chuyện về xuất xứ ca khúc Người Ngoài Phố được kể lại như sau:
Trong một ngày cuối tháng chạp, trời đang chuẩn bị vào xuân, dòng người nô nức qua lại trên đường phố. Nhưng với riêng nhạc sĩ Anh Việt Thu thì không như vậy. Ông vừa bước ra khỏi cửa hiệu của Hãng Dĩa Việt Nam ở đường Võ Di Nguy. Nơi đây đã từ chối cho ông vay tiền để sắm Tết, vì ông vẫn chưa trả hết nợ cũ, đã lâu rồi chưa có thêm sáng tác mới nào để bán.
Theo lời kể của người bạn của nhạc sĩ, lúc đó ông đang rất cần tiền để lo cho gia đình và trang trải dịp tết.
Bước ra đại lộ Lê Lợi trong một chiều cuối năm, dưới ánh nắng vàng nhạt, nhạc sĩ Anh Việt Thu ngồi lại bên đường nhìn dòng người đang náo nhiệt mua sắm trên phố mà xót thương cho hoàn cảnh của mình. Với áp lực kinh tế, cùng với sự tưởng tượng về một cuộc giã từ mối tình đầu, ông đã viết thành ca khúc Người Ngoài Phố ngay trong buổi chiều cuối năm để bán cho hãng dĩa, và có tiền để tiêu sắm Tết năm đó.
Nhờ “Người Ngoài Phố”, nhạc sĩ không những trả được nợ cũ, mà còn đủ tiền để cùng vợ con đón được một cái Tết đầm ấm, còn khán giả yêu nhạc vàng thì được thưởng thức thêm một tác phẩm bất hủ trong suốt 50 năm qua.
Người thu âm ca khúc này đầu tiên trong dĩa nhựa của Hãng Dĩa Việt Nam là ca sĩ Phương Đại, sau này bài hát cũng được Thanh Tuyền và Hương Lan hát lại trong băng cối vào đầu thập niên 1970. Sau năm 1975, hầu như ca sĩ nhạc vàng nào cũng từng thể hiện ca khúc này. Trong đó, đôi song ca làm tôi ấn tượng nhất là Randy và Mỹ Huyền khi họ hát Người Ngoài Phố trong CD Hợp Khúc Tình Yêu. Giọng hát buồn muôn thuở của Randy làm cho Người Ngoài Phố trở nên bi thương hơn bao giờ hết.
Những đêm nằm ôm gối, nghe Randy hát và mơ mộng về những cuộc tình sẽ tan vỡ cho dù thật sự chưa có mối tình nào. Đó là những kỷ niệm rất khó quên của một thời niên thiếu.
Đông Kha
(Ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)