Danh ca nhạc vàng Chế Linh tên thật là Chà Len, được sinh ra trong một gia đình người Chăm nghèo. Từ thuở nhỏ, ông được một tu sĩ người Pháp hướng dẫn học nhạc. Từ đó, vì đam mê âm nhạc và cảm thấy vùng đất gió phan và đầy nắng cháy này không thể nuôi dưỡng ước mơ của mình, Chà Len đã rời quê để vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1959, khi mới 17 tuổi.
Vào đến Sài Gòn, không người thân thích, ban đầu ông phải đi đánh giày và bán báo để mưu sinh, sau đó may mắn được gia đình một người Hoa giúp đỡ cho tiền ăn và tiền học, ngược lại thì ông phải giúp việc nhà, nấu ăn và giữ con cho gia đình đó với mức lương khoảng 75 đồng một tháng. Tuy được đối xử tốt, nhưng việc làm thuê không liên quan đến âm nhạc không phải là cách để tiến thân.
Khoảng một thời gian sau, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang,…
Tuy nhiên 2 năm sau đó thì đoàn văn nghệ Biệt Chính tan rã, các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ đều trở lại Sài Gòn, riêng Chế Linh thì ở lại Biên Hòa. Vì chưa có tên tuổi, có trở lại Sài Gòn cũng khó để có thể mưu sinh, ông đến vùng núi Bửu Long để chở đá thuê và luyện thanh khi rảnh rỗi. Cũng tại mỏ đá này có một nhạc sĩ khác đang làm việc, là người đã ảnh hưởng rất lớn đến Chế Linh trong bước đầu sự nghiệp, đó là nhạc sĩ Bằng Giang. Cuộc gặp gỡ này trở thành một điểm mốc quan trọng, khi họ cùng nhau sáng tác những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng với bút danh chung là Tú Nhi – Bằng Giang.
Ca sĩ Chế Linh nói rằng những ca khúc mà ông viết chung với Bằng Giang vào thời điểm ông mới chập chững vào nghề sáng tác, nên phần nhạc được Bằng Giang viết, còn phần lời thì của Tú Nhi (bút danh khi viết nhạc của Chế Linh) viết hoàn toàn.
Những ca khúc viết chung của Bằng Giang – Tú Nhi là Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Bài Ca Kỷ Niệm, Đoạn Tái Bút… được ra đời ở một vùng đất tỉnh lẻ là Biên Hòa, khởi đầu là bài hát đầu tiên Đêm Buồn Tỉnh Lẻ viết cho tâm sự của người lính, là một người bạn của Chế Linh. Hoàn cảnh sáng tác của bài này được ông kể lại: Một hôm đi thăm một người bạn đóng quân ở Long Khánh, người này về không về được nên gửi lời thăm người yêu ở Sài Gòn. Thấu hiểu hoàn cảnh của bạn, Chế Linh đã viết những lời nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình:
Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa
Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ
vào những đêm buồn…
Vào thời điểm ca khúc này ra đời là khoảng năm 1961, dòng nhạc vàng của các giai điệu nhẹ nhàng, thổn thức như bolero, rhumba… chưa có quá nhiều tác phẩm, mặc dù khán giả của dòng nhạc này là công chúng thuộc tầng lớp bình dân, đại chúng thì rất nhiều. Nắm bắt được thị hiếu đó, ca sĩ Chế Linh đã chuyên tâm đi theo dòng nhạc này và sáng tác những ca khúc đại chúng để phù hợp với giọng hát mang tính nỉ non tâm sự của mình. Với hướng đi đó, Chế Linh đã thành công vang dội, trở thành 1 trong những giọng ca có nhiều ảnh hưởng nhất của dòng nhạc vàng miền Nam cho đến nay. Ngoài việc tự sáng tác những ca khúc này, Chế Linh còn “đặt hàng” các nhạc sĩ khác như Trúc Phương, Châu Kỳ… để viết ra những ca khúc hợp với chất giọng nức nở của mình.
Đêm Buồn Tỉnh Lẻ là ca khúc đầu tiên và mang đặc trưng của xu hướng âm nhạc đó: Dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng của đại chúng nghe nhạc, cũng là ca khúc đầu tiên đã đưa tên tuổi Chế Linh đến với công chúng nghe nhạc trong suốt 60 năm qua.
Đông Kha
(Ghi rõ nguồn nhacxua.vn nếu copy bài viết này)