Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Bài Thánh Ca Buồn” – Giai điệu bất tử của mùa Giáng Sinh

Giữa những giai điệu Giáng sinh rộn ràng mỗi khi mùa sang, có lẽ, bạn nghe tim mình xao xuyến khi bắt gặp đâu đó vang lên giai điệu “Bài thánh ca đó còn nhớ không em…”.

Mỗi dịp Giáng sinh về, khắp nơi đâu đâu cũng vang lên giai điệu của những bài hát quen thuộc như: Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas. Và chen vào những giai điệu sôi động đó, từ góc nhỏ làng quê cho đến thị thành giai điệu buồn da diết của ca khúc Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ vẫn âm thầm réo rắt ăn sâu vào tâm hồn của người nghe suốt gần nửa thế kỷ qua kể từ ngày ra đời.

Có rất nhiều câu chuyện thành giai thoại xung quanh Bài Thánh Ca Buồn được đăng trên các phương tiện truyền thông. Nhưng theo tác giả Nguyễn Vũ kể lại, ca khúc này gắn liền với kỷ niệm đẹp nhưng rất buồn từ thời thơ ấu của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ năm 1968

“Bài Thánh Ca Buồn” của nhạc sĩ Nguyễn Vũ ra đời vào tháng 10 năm 1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night – Đêm Thánh Vô Cùng vang lên tại nhà. Bài hát này gợi cho ông rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu, khi chỉ là cậu bé 14 tuổi:

“Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên.

Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…

Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng (Silent night – Lời Việt của Hùng Lân) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy:

Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng,
đất với trời, se chữ đồng,
đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…

Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo.

Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh Vô Cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi.

Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên hát bài hát này và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc ‘hot’ nhất trong mùa Giáng sinh năm đó”.

Nhiều mùa Giáng sinh trôi qua, Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ được nhiều thế hệ ca sĩ hát, nhưng có lẽ giọng hát Elvis Phương đã gắn liền với ca khúc này. Ông có chất giọng đầy chiều sâu và đầy nội lực để mê hoặc người nghe suốt nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên theo tác giả Nguyễn Vũ, hầu hết ca sĩ trẻ đều hát sai ca từ 1 vài chỗ so với nguyên bản Bài Thánh Ca Buồn của ông. Lời gốc là: “Rồi một chiều áo trắng THAY màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành: “Rồi một chiều áo trắng PHAI màu”. Điều sai cơ bản ở đây là chữ “thay” của tác giả bị đổi thành chữ “phai” làm thay đổi rất nhiều về ý nghĩa của câu hát. Ông giải thích: “Áo trắng thay màu có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã thay màu thành màu áo khác, chẳng hạn như là màu áo cưới”. Ông nói vui: “Nếu áo trắng mà phai màu thì thành ra màu cháo lòng à?”.

Các ca sĩ cũng thường chỉ hát là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Nhưng ở nguyên bản, Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”. Tác giả lý giải, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất đều hân hoan đón đợi lễ Giáng Sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. “Chính vì điều đó, tôi chọn câu: ‘Thế trần đón Noel’. ‘Thế trần’ ở đây là đảo ngược hai từ ‘trần thế’ có nghĩa là ‘thế gian’ là dành cho tất cả mọi người, Tôi rất mong mọi người hát đúng nguyên ca từ”.

Theo nhận xét của người trong giới chuyên môn, Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ được viết theo tiết tấu của giai điệu slow rock và giọng La trưởng (A). Tác giả dùng hình thức ba đoạn đơn (ABA’), một cấu trúc thường gặp trong nhiều bản tình ca trong âm nhạc thế giới cũng như tân nhạc Việt Nam. Hình thức ba đoạn đơn có một đặc điểm, trong đa số trường hợp, đoạn A’ tái hiện không hoàn toàn đoạn A. Sự tái hiện đó có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp cho tác phẩm đạt tới tính hoàn chỉnh, thống nhất về mặt cấu trúc. Ca khúc Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ mang đầy đủ những yêu tố cơ bản để làm nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, ca khúc này vẫn luôn là một trong những bài tình ca Việt Nam tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ, thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn của một nhạc sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác không nhiều, nhưng không ít tác phẩm của ông đã đi vào lòng công chúng. Năm 12 tuổi (1956), ông đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. Năm 23 tuổi, ông có bản nhạc đầu tay Huyền Thoại Một Chiều Mưa… Nhưng có lẽ, Bài Thánh Ca Buồn do ông sáng tác năm 28 tuổi là nhạc phẩm ghi một dấu ấn đáng nhớ cho con đường âm nhạc của ông.

Mỗi mùa Giáng sinh về, bài hát lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có những tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: “Đến nay, Bài Thánh Ca Buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài thánh ca buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?”

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn…

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thế trần đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi…

nhacxua.vn tổng hợp
Nguồn: Báo CATP, VnExpress.net