Hoàn cảnh sáng tác bài hát Tiếng Hai Đêm và chính sách “Người Cày Có Ruộng” của miền Nam năm 1970

Ở miền Nam ngày xưa có nhiều bản nhạc được sáng tác nhằm ủng hộ một phong trào, một chiến dịch của chính phủ, nhưng người nghe lại không cảm thấy có vẻ gì là “tuyên truyền” cả. Ngược lại bài hát còn được công chúng yêu thích như là một bài riêng biệt, đến nỗi khi phong trào hay chính sách đó của chính phủ đã qua rồi mà người dân vẫn còn tiếp tục hát cho đến ngày nay.

Thí dụ như bài Tiếng Hai Đêm của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Ngày xưa, để tiếp tục công cuộc cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm (1956) thì sau đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành luật “Người Cày Có Ruộng” (1970). Đây là chính sách nhân đạo của nhà nước, mua lại 1.300.000 hecta đất ruộng của các đại điền chủ để cấp miễn phí cho trên 800.000 nông dân và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đó cho họ. Đó là sắc lệnh số 003/60 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 26 tháng 3 – 1970 tại Cần Thơ, ban hành luật “Người Cày Có Ruộng”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của chính phủ kiêm cố vấn của Tổng thống), Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hôm đó đã phát biểu trong vui mừng: “Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi”. Và ngày ban hành quốc sách “Người Cày Có Ruộng” được lấy làm Ngày Nông Dân và coi là ngày nghỉ lễ trên toàn quốc Nam Việt Nam.

Vì thế, trong bài hát Tiếng Hai Đêm có câu như:

“Hò ơi, đất ruộng lại về ta
Miền Nam nắng ngập xanh rờn ngọn má
Nơi đây ta lại cấy cày
Có sức người, ruộng ta lại tốt tươi…”

Đã gần 50 năm, sau ngày ban hành luật “Người Cày Có Ruộng”, một đạo luật nhân đạo đã làm thay đổi cả một xã hội nông thôn miền Nam Việt Nam, giúp cho tất cả nông dân ở đây trở thành chủ nhân thực sự của thửa ruộng tư hữu mình đang cày cấy.

Ngoài ra, nội dung bài hát Tiếng Hai Đêm là hoàn cảnh phổ biến của thời chiến tranh ly biệt: Có bà mẹ già lam lũ một đời chờ đứa con trai về sau chinh chiến. Có người vợ hiền ôm con chờ chồng, chờ cha mà đôi mắt trông mỏi mòn. Đứa con nay đã lớn nhưng chưa một lần thấy được mặt cha. Hoàn cảnh bi thương như vậy nhưng họ vẫn trông chờ một ngày trời mưa tạnh, xuân sẽ về và đời được nở hoa, mơ ước được duyên lành.

“Đêm năm xưa, trăng chiếu rọi đầu thôn, trăng mấy mùa chưa tròn,
Có người vợ hiền ngồi ôm con, mà đôi mắt trông mỏi mòn…

Bao xuân qua, năm tháng chừng phôi pha, con lớn từ bao giờ,
Mà chưa hề gặp mặt người cha còn tay súng giữ quê nhà… “

Gần đây, tỉnh Nghệ An tổ chức một hội thảo về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Nguyên, và cho rằng trước 1975 Hoàng Nguyên sinh sống, sáng tác ở miền Nam nhưng ông vẫn có liên hệ về tổ chức cách mạng ở miền Bắc. Tuy nhiên có thể thấy qua bài hát Tiếng Hai Đêm, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã thực sự yêu mến quê hương và con người miền Nam, rồi vẽ nên những cảnh thanh bình tuyệt đẹp của miền Nam thuở xưa:

Đêm hôm nay trắng sáng ngập làng thôn
Trông lũ trẻ nô đùa
Có người vợ hiền nhìn sân trăng
Rồi âu yếm mắt trông chồng…

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã mô tả hoàn cảnh người trai lính chiến “còn tay súng giữ quê nhà” và ca tụng miền Nam tươi đẹp:

Miền Nam nắng ngập xanh rờn ngọn má
Nơi đây ta lại cấy cày
Có sức người, ruộng ta lại tốt tươi…

Ruộng xanh xanh cả tình thương
Ruộng ta không còn hoen màu máu
Từ nay lúa về với người
Vang tiếng cười
Đời ta lại sáng tươi

nhacxua.vn biên soạn
(Nguồn: bài viết của ca sĩ Hoàng Oanh)

Cùng lắng nghe ca khúc Tiếng Hai Đêm được thu âm trước 1975 của Hoàng Oanh, song ca Duy Khánh – Thanh Tuyền và Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết: