Nhạc sĩ Mai Châu quen thuộc khán giả nhạc vàng với nhiều nhạc phẩm viết về thời chiến trước năm 1975, nổi tiếng nhất là bài “Một Người Đi”. Ông định cư tại miền Nam California từ năm 1990 cùng với gia đình. Mai Châu sống một cuộc đời lặng lẽ, khiêm nhường bên cạnh người bạn đời nổi tiếng là nữ ca sĩ Hoàng Oanh.
Nhạc sĩ Mai Châu rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay trên báo chí. Nhiều thập niên qua, chúng ta chỉ biết đến ông qua các tác phẩm âm nhạc. Chỉ một hai lần hiếm hoi, Mai Châu hiện diện trước khán giả hay trên màn ảnh nhỏ.
Nhạc sĩ Mai Châu cùng vợ (ca sĩ Hoàng Oanh)
Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh. Ông sinh ngày 17 tháng 7 năm 1945, quê quán tại Bạc Liêu. Mai Châu học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang, và viết nhạc với hai bút hiệu: Mai Châu và Chiêu Anh.
Những tác phẩm nổi tiếng của Mai Châu:
“Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm
Vì ngàn yêu thương, anh xếp bút mực xanh
Băng mình vào sương gió
Sống trọn kiếp trai hùng…”
Nhạc của Mai Châu là những nỗi buồn tiễn đưa và xa cách, là nỗi nhớ của một người em gái hậu phương “bé nhỏ hứa thương anh trọn đời” nói với một người trai thời loạn phải “xếp bút nghiên” để theo việc đao binh. Lời ca của Mai Châu là những ý tình xa vắng của tuổi học trò, của những người trẻ tuổi vừa mới lớn lên “đã trót buồn trong mắt”, có bao nhiêu nụ cười cũng không đủ xóa ưu tư (như ý thơ Nguyên Sa). Và hầu hết các tác phẩm này đều được gửi đến lần đầu bằng một giọng ca duy nhất là Hoàng Oanh, một trong những tiếng hát học trò lừng danh nhất của miền Nam.
Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Chinh nhân ơi xin anh chớ buồn
Người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời
Thức trắng đêm qua hai đứa chúng mình chưa vơi hết tâm tư
Ta kể nhau nghe những vui buồn thời ấu thơ
Đếm lá thu rơi, mười bốn thu tàn tôi đã biết tên anh
Nay cách xa rồi, anh khoác chinh y.
Tôi còn ở lại đưa tiễn một người đi
Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm
Vì ngàn yêu thương anh xếp bút mực xanh
băng mình vào sương gió sống trọn kiếp trai hùng.
Chinh nhân ơi khi anh trở về
Chinh nhân ơi khi anh trở về
Người yêu ra mừng đón
Người yêu anh bé nhỏ sẽ yêu anh trọn đời
Bài hát Một Người Đi trên được Mai Châu sáng tác dựa trên bài thơ của chính ông, được viết cách đây hơn 50 năm. Bài thơ, bài hát dành tặng cho người bạn từ thuở nhỏ của ông là thiếu úy biệt động quân Nguyễn Ngọc Lân.
Khác với hình dung của nhiều người khi nghe bài hát, nghĩ rằng buổi chia tay trong Một Người Đi là người con gái đưa tiễn người chinh nhân. Thực ra người đưa tiễn trong bài chính là tác giả Mai Châu, đưa tiễn bạn của mình lên đường ra đơn vị. Câu hát: “người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời” là lời nhắn gửi của tác giả Mai Châu đến người bạn là chinh nhân để yên tâm lên đường ra trận. Trong nguyên tác bài thơ, Mai Châu viết:
Trời mưa lạnh, cơn mưa rào của cảnh biệt ly
Mắt Anh thật buồn sâu thăm thẳm
“Mầy đừng buồn, nhớ viết thơ thăm Vân”
Người yêu Anh đó, người yêu Anh bé nhỏ
Hứa thương Anh trọn đời…
“Vân” chính là tên của “người yêu anh bé nhỏ” của Phạm Ngọc Lân
Tuy nhiên chỉ chưa đầy một tháng sau khi ra đơn bị, thiếu úy Nguyễn Ngọc Lân đã hy sinh ở chiến trường Bình Long, ngày 27/10/1967. Nhạc sĩ Mai Châu cho bết: Do mẹ của Nguyễn Ngọc Lân ở xa, lại lớn tuổi, Mai Châu phải thay mặt để đi nhận xác bạn, xin phi cơ chở quan tài từ Saigon về Sóc Trăng chôn cất (với nghi lễ tiễn đưa có binh sĩ dàn chào khi hạ huyệt). Lúc đi sau xe tang tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối cùng, trời mưa lất phất, ông đã thương cảm viết thành câu: Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm…
Ban đầu, Một Người Đi là một bài thơ dài của Mã Gia Minh (tên thật của nhạc sĩ Mai Châu), nội dung là buổi lên đường ra đơn vị, hai người bạn thân đưa tiễn nhau. Bài thơ được viết ngay sau khi thiếu úy Nguyễn Ngọc Lân hy sinh, rồi được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng.
Nguyên văn bài thơ:
Tôi tiễn đưa Anh
Người lính chiến Biệt Động Quân
Lên đường đáo nhậm đơn vị
Miền đất khô cằn sỏi đá.
Đất Bình Long
Trời Sài Gòn
Mưa thu rơi nhiều lắm
Thấm ướt áo Anh, màu áo hoa rừng người lính chiến.
Ướt áo tôi, màu áo trắng sinh viên.
Tôi và Anh, học chung trường từ thuở nhỏ
Quê nhà mình cùng chung một giòng sông
Màu phù sa đất đỏ
Giòng sữa Mẹ Cửu Long
Nuôi mình lớn lên trong tình thương đất mẹ
Trời mưa lạnh, cơn mưa rào của cảnh biệt ly
Mắt Anh thật buồn sâu thăm thẳm
“Mầy đừng buồn, nhớ viết thơ thăm Vân”
Người yêu Anh đó, người yêu Anh bé nhỏ..
Hứa thương Anh trọn đời…
Phi cơ cất cánh, hai đứa vẫy tay
Mắt tôi cay, vì mưa rơi vào mắt
Má tôi ướt vì gió lạnh mùa thu
Anh đi nhé, vì giòng sông của Mẹ
Bảo vệ quê hương khỏi giặc thù
Hai tuần lễ sau
Một điện thơ từ Tiểu Đoàn 31
Rất lấy làm đau đớn báo tin buồn
“Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân đã hy sinh vì Tổ Quốc”
Nước mắt tôi nhạt nhòa
Anh nằm đây, gương mặt thật hiền hòa
Anh đang ngủ
Phải. Anh đang chìm vào “Một Giấc Ngủ Thiên Thu”
Viên đạn sau đầu, đã đưa tên Anh vào lịch sử
Vân bật khóc, phải đây là sự thật?
Tay run run, nhè nhẹ vuốt mắt Anh
Đọc thơ Anh nhiều lần, ngày hôm trước.
Và vừa gởi về Anh một lá thơ xanh
Nhưng bây giờ, âm dương đôi ngả
Anh đang nằm đây, nước mắt em rơi
Anh hãy ngủ, em ru Anh an giấc
Em đã hứa sẽ thương Anh trọn đời
Người yêu Anh bé nhỏ, sẽ yêu Anh trọn đời
Vân và tôi đưa Anh trở về miền Đất Mẹ
Đất Sóc Trăng nhuộm đỏ
Từ giòng máu Anh, hay từ đất phù sa?
Mẹ Anh già, đôi mắt khóc mù loà
Tóc Mẹ bạc thêm từ tin Anh chết
Lá vàng còn đó, lá xanh rụng rồi.
Lá vàng ngồi khóc lá xanh
Con ơi sao nỡ con đành bỏ đi
Mẹ Cha có tội tình chi
Cho con chết trước thay vì Mẹ Cha
Cha con và Mẹ đã già
Sao con lại để cả nhà chịu tang
Lá xanh rụng trước lá vàng
Nước sông chảy ngược bao hàng lệ tuôn
Bây giờ con đã về nguồn.
Thôi con yên nghỉ, quê hương an bình
Chiến chinh, chinh chiến điêu linh
Thương Anh lính chiến HY SINH cuộc đời.
Đọc kinh: “Lạy Đức Chúa Trời”
Xin thương phù giúp những người Chiến Binh.
Đông Kha
(tham khảo tư liệu của tác giả Duy An)