Hoàn cảnh sáng tác bài hát “Giã Từ” và cuộc tình buồn của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

Tuổi đời chân đơn côi
Gót mòn đại lộ buồn
Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…

Đó là lời bài hát nổi tiếng mang tên Giã Từ được ký bút danh Tô Thanh Tùng và Băn Vi. “Đại lộ buồn” được nhắc đến ngay ở đầu bài hát được nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể lại rằng chính là đại lộ Trần Hưng Đạo trong những đêm buồn cúp điện, chỉ còn nhạt nhòa những đèn đêm bóng mờ. Đằng sau mỗi bài hát là những câu chuyện thú vị liên quan đến hoàn cảnh ra đời và những người liên quan. Ca khúc Giã Từ là câu chuyện tình có thật trong đời của chính nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, ngoài ra cũng đã có những sự tranh luận liên quan đến tác giả thực sự của bài hát này: Tô Thanh Tùng và Băn Vi.


Click để nghe bài Giã Từ thu âm trước 1975

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể lại trên báo chí rằng ông đã sáng tác Giã Từ vào thập niên 1960 khi vẫn đang là sinh viên trường Luật khoa Sài Gòn. Trong những lần rảnh rỗi, ông thường cùng bạn bè đến một quán cafe ở khu Dakao, và cũng tại nơi này ông đã gặp người con gái 16 tuổi mang tên Diễm làm thu ngân của quán.

Diễm có đôi mắt đẹp, với rèm mi nhung dường như lúc nào cũng ươn ướt như là vương một nỗi sầu không nói thành lời, đôi mắt đó đã làm cho bao nhiêu trái tim chàng trai bị loạn nhịp, trong đó có chàng nhạc sĩ trẻ si tình là Tô Thanh Tùng, nên ông sáng tác ca khúc mang tên Mắt Diễm Buồn, mượn nhạc để thay lời nói:

“Diễm ơi, mắt Diễm buồn mang nhiều thương nhớ
Nhớ em, viết mấy dòng gửi cùng mây gió…”


Click để nghe Thái Châu hát Mắt Diễm Buồn trước 1975

Rồi chuyện tình yêu nảy nở giữa 2 người, họ yêu nhau thắm thiết và thậm chí đã nghĩ đến chuyện cưới xin. Tuy nhiên khi về ra mắt gia đình thì cả 2 bên đều không đồng ý. Song thân nhạc sĩ Tô Thanh Tùng quê ở Đồng Tháp thì e ngại nàng Diễm là người Bắc, không thích hợp với tính tình quê người dân quê. Còn gia đình người Bắc di cư của cô Diễm thì vốn tinh tế, kỹ lưỡng trong giao tiếp cũng không hài lòng với một người có với vẻ bề ngoài trông võ biền và chân chất như Tô Thanh Tùng, vốn vụng về trong giao tiếp.

Sau một thời gian sau đó, nàng Diễm nghe theo gia đình để sang ngang cùng người khác. Biết tin này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng vô cùng đau đớn và viết thành ca khúc Giã Từ với những nỗi niềm day dứt:

Tuổi đời chân đơn côi
Gót mòn đại lộ buồn
Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa

Hồn lắng tâm tư, đi vào dĩ vãng
Đường tình không chung lối
Mang nuối tiếc cho nhau

“Đại lộ buồn” Trần Hưng Đạo

Thời điểm đó nhạc sĩ Tô Thanh Tùng chưa học xong đại học, vẫn đang ở trọ trong một căn nhà nhỏ trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Có nhiều hôm khu trọ bị cúp điện, chàng nhạc sĩ trẻ bước xuống đường để lang thang hóng gió. Đó là những bước chân đơn côi, nặng nề, trên đại lộ buồn đã mòn gót, với tâm tư rối bời, nhớ về những kỷ niệm chưa xa xôi nhưng đã thành xưa cũ:

Ngày nào tay trong tay
Lối về cùng hẹn hò
Dìu em giấc mộng vừa tròn

Tình thắm môi hồng,
đêm dài lưu luyến,
Nghẹn ngào trong thương nhớ
Vì mai bước theo chồng.

 

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể về tâm trạng trong bài Giã Từ như sau: “Những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã Từ…”

Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ.
Hôn lên tóc mềm cho lệ sầu thêm ướt đôi mi
Xin em một lần cho ước nguyện tình yêu cuối
Thương yêu không tròn thôi giã từ đi em ơi

Người về lên xe hoa,
Kỷ niệm buồn vào hồn
Bờ môi tắt hẳn nụ cười

Giây phút bên nhau nay còn đâu nữa
Người về trong thương nhớ
Người đi nhớ thương người…

Không lâu sau đó, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tốt nghiệp đại học và quyết định về quê Hồng Ngự phụ gia đình kinh doanh. xa rời đô thành phồn hoa đầy những kỷ niệm về mối tình buồn.

Vài năm sau đó nữa, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng quen một cô gái 18 tuổi ở Sa Đéc có giọng hát rất hay tên là Hoàng Kim. Ông đặt cho cô gái này nghệ danh Thu Vân, sau đó đưa lên Sài Gòn để hát thử bài Giã Từ.

Ca sĩ Thu Vân trên hình bìa ca khúc Giã Từ

Ban đầu, Thu Vân bị từ chối được lên sóng phát thanh, vì lúc đó hầu hết các ca sĩ xuất hiện trên đài phát thanh đều phải nổi tiếng. Tuy nhiên, sau khi nghe thử Thu Vân hát Giã Từ qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh (lúc đó là trưởng phòng văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn) đã đồng ý cho phát vào “giờ vàng” sáng chủ nhật.

Những lời hát da diết của Giã Từ cùng với giọng hát ấn tượng của nữ ca sĩ Thu Vân đã lay động hàng triệu trái tim công chúng yêu nhạc vào đầu thập niên 1970. Cũng nhờ mối duyên từ ca khúc Giã Từ này mà nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và nữ ca sĩ Thu Vân đã nên duyên vợ chồng.

Thời gian sau này, có thông tin cho rằng tác giả ban đầu của bài hát Giã Từ không phải là Tô Thanh Tùng, mà là của Băn Vi – một nhạc sĩ vô danh ở Tây Ninh tên thật là Huỳnh Văn Bi, sinh năm 1949.

Những người quen biết với nhạc sĩ Băn Vi kể lại rằng ông là một tay trống có tiếng trong Ban nhạc Xây Dựng Nông Thôn ở Tây Ninh, đánh trống rất điệu nghệ thu hút khán giả nhờ tài roulé và tung hứng dùi trống lên cao quay vài vòng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Bút hiệu Băn Vi xuất phát từ tên thật Văn Bi.

Lúc sinh thời, Băn Vi kể lại rằng quê vợ của ông ở Hồng Ngự, cách không xa nhà của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Trong một lần về Hồng Ngự chơi, Băn Vi có ghé vào một quán nước tình cờ gặp Tô Thanh Tùng, những người nghệ sĩ gặp nhau nên có nhiều chuyện tâm tình. Biết Tô Thanh Tùng là một nhạc sĩ có tiếng, Băn Vi đã hát ngay một sáng tác đầu tay cho ông nghe, đó chính là bài Giã Từ. Sau đó, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng dựa theo giai điệu và lời nhạc của Băn Vi để sáng tác thành tác phẩm Giã Từ, khi phát hành tờ nhạc đã ghi tên chung là Tô Thanh Tùng – Băn Vi.

Câu chuyện này được một số người quen của Băn Vi kể lại và cam đoan là sự thật. Tuy nhiên gia đình của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng phủ nhận thông tin này.

Nhạc sĩ Băn Vi đã qua đời từ năm 2004, còn Tô Thanh Tùng cũng đã không còn từ năm 2017, nên câu chuyện thật sự của “Giã Từ” sẽ vĩnh viễn là điều một bí ẩn…

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn