Có những địa danh đã đi vào thơ nhạc và để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ. Trong bài viết này, xin giới thiệu đôi nét về phá Tam Giang trong bài hát Chiều Trên Phá Tam Giang của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Những sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được người ta xếp vào dòng nhạc đại chúng, dễ đi vào lòng người, nhưng vẫn có được giá trị nghệ thuật cao. Nhạc của ông không hề dễ dãi mà đầy tính nhân bản và đề cao giá trị của con người trong thời chiến. Riêng về dòng nhạc tình, ông cũng có những tuyệt phẩm được yêu thích như Trên Đỉnh Mùa Đông, Khi Người Yêu Tôi Khóc và Chiều Trên Phá Tam Giang.
Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ỏ vùng Thừa Thiên Huế. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc – đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của Việt Nam. Độ sâu của phá này từ 2-4m, có nơi sâu tới 7m.
Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ. Cho nên thương em mà không dám vô cớ là vậy.
Về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm bất hủ “Chiều Trên Phá Tam Giang” được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được viết theo ý thơ Tô Thùy Yên, theo lời kể của chính tác giả trong một lần hát chung với ca sĩ Khánh Ly, đó là vào khoảng giữa 1972, khi cuộc chiến Việt Nam đang ở trong thời kỳ khốc liệt nhất mà đỉnh cao là “mùa hè đỏ lửa” 1972, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và vài người nữa từ Sài Gòn đi thăm những vùng tiền đồn.
Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời.
Cũng chính vì cảm tác từ chuyến đi thực tế mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm bất hủ, vượt trên nhiều bản theo dòng nhạc đại chúng của ông.
Lời nhạc bài Chiều Trên Phá Tam Giang:
Chiều trên phá Tam Giang
anh chợt nhớ em
nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ
đến bất tận
em ơi, em ơi…
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm
ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm
ôi Sài Gòn, Sai Gòn mười một giờ vắng yên
ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối
Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
rồi nghĩ tới anh
rồi nghĩ tới anh
nghĩ tới anh
Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao
Giờ này thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ bất giác chảy tuôn
nghĩ đến một điều em không rõ
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh
lại nghĩ tới anh
nghĩ tới anh…
Nguồn: dongnhacxua