Hoàn cảnh ra đời ‘Silent Night’ – bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất

Mỗi đêm Giáng sinh, giai điệu bài thánh ca kinh điển lại tạo nên những khoảnh khắc thiêng liêng, ấm áp, đưa con người xích lại gần nhau hơn.

Đêm Giáng sinh năm 1818, giáo dân tại một ngôi làng nhỏ ở Oberndorf thuộc Áo kinh ngạc khi lần đầu tiên lắng nghe một ca khúc lạ lẫm, được trình bày với đàn guitar thay cho đàn organ như thường lệ. Họ không ngờ rằng gần 200 năm sau, ca khúc đó đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được dịch ra ít nhất 140 thứ tiếng. Đó chính là khúc ca Silent Night kinh điển, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại hồi tháng 3/2011.

Năm 2013, tạp chí Time, sau một thời gian khảo sát tại Văn phòng bản quyền Mỹ (U.S. Copyright Office) cũng tuyên bố Silent Night là ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất trên thế giới với 733 lần được thu âm, tính riêng từ 1978 trở lại đây.

Có rất nhiều huyền thoại xung quanh sự ra đời của Silent Night. Trong một thời gian dài, ca khúc vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart hay Beethoven. Không ai chịu tin là ca khúc được sáng tác bởi một người rất bình thường, giản dị và gần như vô danh trong bản đồ âm nhạc. Mãi đến năm 1995, khi người ta tìm được bản chép tay của bài nhạc, họ mới có thể khẳng định tác giả của Silent Night là một linh mục nghèo tên là Joseph Mohr với phần soạn nhạc của một thầy giáo trường làng tên Franz Gruber.

Năm 1859, Silent Night được linh mục John Freeman Young ở giáo phận Floria dịch sang tiếng Anh và nhanh chóng trở thành một nhạc phẩm Giáng sinh được yêu thích ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Ca khúc có những quãng nhạc bình dị, những ý nhạc ngắn gọn, nhấc lên hạ xuống nhịp nhàng như hơi thở nên rất dễ hát. Silent Night có thể được biểu diễn trên những sân khấu lớn bởi các ngôi sao nổi tiếng hoặc theo chân các em nhỏ đến từng ngôi nhà theo phong tục của phương Tây. Giai điệu của bài hát như một sự nín thở chờ đón một sự kiện vĩ đại sắp xảy ra: Sự ra đời của chúa Jesus.

“… Silent night! Holy night!
All is calm, all is bright

‘Round yon Virgin Mother and Child,
Holy infant so tender and mild,
Sleep in Heavenly peace!
Sleep in Heavenly peace!”

“… Đêm yên tĩnh! Đêm linh thiêng!
Tất cả thật êm đềm, tất cả thật rạng rỡ

Quanh Đức mẹ Đồng Trinh và Con của Người
Chúa hài đồng thật hiền dịu và tốt lành
Ngủ say trong sự yên bình tuyệt vời!
Ngủ say trong sự yên bình tuyệt vời!”

“Silent Night” gắn với nhiều giai thoại về ngày Chúa sinh ra đời.

Ca từ của Silent Night được bắt rễ sâu sắc từ những gì được miêu tả trong Phúc âm của Luke và Matthew. Theo đó, Chúa Jesus được Đức mẹ Đồng trinh Maria sinh ra ở Bethlehem xứ Judea trong một cái máng cỏ. Những người chăn cừu từ những cánh đồng gần đó đã được các Thiên Sứ báo trước nên đã đến chiêm ngưỡng Người đầu tiên. Ba nhà thông thái từ phương Đông đi theo một vì sao bí ẩn cũng đến để bày tỏ sự thành kính. Silent Night tràn ngập niềm vui sướng thiêng liêng trước sự ra đời của Đấng cứu thế, người sau này sẽ dùng cái chết để cứu chuộc cho nhân loại.

“… Silent night! Holy night!
Shepherds quake at the sight;

Glories stream from Heaven afar
Heavenly hosts sing Alleluia,
Christ, the Saviour, is born!
Christ, the Saviour, is born!”

“… Đêm yên tĩnh! Đêm linh thiêng!
Mục đồng choáng ngợp trước cảnh tượng lộng lẫy
Những luồng sáng vinh hiển từ Thiên đường phía xa

Thiên sứ hát vang bài “Cảm tạ Chúa”
Chúa Giê-su, Đấng cứu thế, đã giáng lâm!
Chúa Giê-su, Đấng cứu thế, đã giáng lâm!”

Silent Night thấm đẫm tinh thần Cơ đốc giáo nhưng đồng thời ngập tràn tinh thần nhân loại. Bài hát thể hiện khao khát về sự hòa bình, yên ổn. Đây cũng là một ca khúc rất quen thuộc với cả những người ngoại đạo.

Nghĩ về Silent Night là tưởng tượng thấy một khung cảnh lý tưởng đêm Giáng sinh. Khi đó đường phố yên tĩnh, vắng lặng, những ngôi nhà ngủ yên, ngập trong tuyết trắng. Khung cảnh ấy đẹp đẽ mơ màng như trong chuyện cổ tích. Đúng 12 giờ đêm, chuông nhà thờ đổ vang và Silent Night được cất vang từ dàn đồng ca, nghe như tiếng vọng từ thiên đường. Đó là một khoảng khắc thiêng liêng, lòng người tràn đầy sự thành kính và biết ơn. Tưởng như trong giây phút, mọi cái xấu, cái ác đều được xóa sạch khỏi mặt đất.

Với tính chất như vậy, người ta thường thấy sự xuất hiện của Silent Night ở những giây phút đặc biệt khốc liệt hoặc khó khăn của nhân loại.

Lịch sử vẫn còn ghi lại câu chuyện về đêm hưu chiến Giáng sinh huyền thoại trong Thế chiến thứ nhất tại Mặt trận phía Tây năm 1914. Bất chấp sự phản đối từ chỉ huy, các binh sĩ Đức và Anh đã tự động ngừng bắn. Các binh sĩ Đức vừa trang trí khu vực xung quanh chiến hào của họ trong vùng Ypres thuộc Bỉ, vừa ca vang những ca khúc Giáng sinh, nhiều nhất là bài Silent Night bằng tiếng Đức. Khi ấy, các binh sĩ Anh bắt đầu ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng chính bài hát đó ở phiên bản tiếng Anh. Đó là giây phút diệu kỳ khi hai bên bặt tiếng súng và thay vào đó là tiếng hát ca ngợi Thượng Đế.

Suốt đêm ấy, họ cùng hét vang: “Chúc mừng Giáng sinh” với nhau. Họ thậm chí còn tặng nhau quà: chủ yếu là thực phẩm, thuốc lá, rượu và những quà lưu niệm như nút áo và mũ. Đấy là đêm hoàn toàn không có tiếng đạn pháo, cũng không có máu đổ, đúng nghĩa “Đêm yên tĩnh” như tên gọi của bài hát.

Hơn cả vị trí của một bài thánh ca nổi tiếng, Silent Night đã trở thành một biểu tượng của hòa bình. Vào mỗi dịp Giáng sinh, người ta lại lắng nghe với Silent Night như một sự thanh lọc tâm hồn, tìm về với cái Thiện. Ca khúc đem lại cho người nghe một viễn cảnh tốt đẹp về một thế giới không có chiến tranh, không bom rơi đạn nổ, không thiên tai, địch họa, không có tiếng khóc hay sự chia ly, chỉ còn là “đêm yên tĩnh” với những đứa trẻ say ngủ trong vòng tay bố mẹ.

Hoàn cảnh ra đời của bài hát

Câu chuyện bắt đầu từ 11-12-1792, tại Salzburg, Áo. Cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi. Đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu, mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu và cả cách thức chào đón Noel trên thế giới.

Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng. Joseph bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ,

Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa làSilent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!).

Rồi Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm bị hỏng. Không thể để ngày Noel thiếu lễ nhạc, cha Joseph nảy ra ý định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Thời gian cấp bách, ông nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” và đề nghị Franz Gruber (người chơi đàn cho nhà thờ) lo phần nhạc, Joseph đệm guitar và hát giọng nam cao, Franz hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng… Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.

Sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó Silent Night đã chẳng bao giờ được cất lên.

Tình cờ một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser đã đưa Silent Night vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel.

Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1859, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh…

Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.

Tại Việt Nam, Silent Night được nhạc sĩ Hùng Lân chuyển lời Việt trước năm 1975 với tên là Đêm Thánh Vô Cùng, được các danh ca Thái Thanh, Hoàng Oanh trình bày:

Theo VnExpress, SGGP