Hình ảnh “nón lá” trong các ca khúc nhạc vàng nổi tiếng

Nón lá là hình ảnh thân thuộc của người phụ nữ Việt Nam tuy mộc mạc, mong manh, lam lũ nhưng không kém phần duyên dáng.

Không chỉ là vật che mưa, che nắng, chiếc nón lá chứa đựng kho tàng lịch sử của nền văn minh lúa nước của người Việt. Nguồn gốc của chiếc nón là câu chuyện kể về một phụ nữ cao lớn, bà luôn đội một chiếc nón làm từ bốn chiếc lá hình tròn. Bất cứ nơi nào Người xuất hiện, những đám mây tan biến nhanh và thời tiết trở nên thuận lợi. Sau khi dạy người dân trồng lúa và những loại cây lương thực, vị nữ thần này biến mất. Người Việt biết ơn và đã xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn của nữ thần.

Người Việt xưa đã cố gắng tạo ra một mô hình chiếc nón tương tự của nữ thần bằng cách xâu những lá cọ lại với nhau và bây giờ nó được gọi là nón lá. Hình ảnh nón lá đã trở nên quá gần gũi và thân thuộc với người nông dân trên những cánh đồng.

Nón lá được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có khi các bà các mẹ đội nó đi chợ hay người nông dân làm việc trên cánh đồng. Nón lá còn được xem là một biểu tượng của con người Việt Nam hiền hòa. Mặc dù chiếc nón lá không còn là vật dụng hàng ngày của người phụ nữ ở các thành phố lớn nhưng nó vẫn rất phổ biến ở làng quê Việt Nam.

Hình ảnh người con gái trong tà áo dài và đội chiếc nón lá là nét đặc trưng cho người con gái Việt Nam ở khắp mọi miền. Tuy vậy, không hiểu vì sao khi nhắc đến nón lá, người nghĩ đến xứ Huế trước tiên, nơi mà nón là còn có tên gọi rất thi vị là “nón bài thơ”, bắt nguồn từ việc người ta hay thêu thơ lên nón lá Huế.

Nón lá xứ Huế cũng khác biệt với các vùng khác. Khác biệt đầu tiên ở chất liệu lá. Các địa phương khác nhau, do phong thổ và tập quán khác nhau, dùng các loại lá khác nhau để làm nguyên liệu chính cho nón lá. Nếu như vùng lưu vực sông Đà, sông Thao ở miền Bắc phổ biến dùng lá cọ, khu vực Nghệ An dùng lá gồi, còn có tên là lá kè nam, vùng Bình Định dùng cây giang và lá kè nam để làm nón ngựa Gò Găng, thì vùng Bình, Trị, Thiên lại dùng lá nón, còn có tên là lá lụi.

Lá nón Huế được khai thác vào độ tuổi lá còn non, nhưng không non quá và đã đủ lớn để có bề dài lá và bề rộng mặt lá đủ tiêu chuẩn của một chiếc nón. Lá nón khai thác đúng tiêu chuẩn là những búp lá non chưa xoè ra, lá còn màu trắng, chưa có màu xanh lá, dài trên 40cm.

Những địa phương khác như Quảng Bình, Bình Định cũng dùng lá nón làm nguyên liệu làm nón lá, nhưng sử dụng lá già hơn nên màu nón ở những địa phương này có màu trắng hơi ngả sang nâu vàng. Việc xác định đúng vùng nguyên liệu và tuổi lá, không quá non hoặc quá già để khai thác là kiến thức bản địa của những người thợ khai thác lá nón Huế.

Công đoạn sơ chế nguyên liệu lá nón Huế khá phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng nhất định, trong đó quan trọng nhất là các kỹ thuật đạp lá, sấy lá và ủ lá. Sau một số công đoạn như phân loại, loại bỏ lá xấu, buộc chùm 10 lá một, người ta đạp lá bằng chân cho đến khi lá mềm, sau đó lá nón được đưa vào sấy bằng lò than. Đạp lá kỹ một mặt làm cho lá mềm, mặt khác đảm bảo khi đưa vào sấy lá sẽ chín đều.

Trong quá trình sấy phải bảo đảm nhiệt độ của lò ổn định trong khoảng từ 42 đến 45 độ và phải đảo lá thường xuyên để lá khô đều mà không quá dòn, sém hoặc cháy, ngả màu. Để có nhiệt độ vừa phải, nhiên liệu sử dụng cho các lò sấy là than thẻ – một loại than được hầm từ vỏ cây, mà không dùng các loại than củi khác từ các loại gỗ chắc vì chúng có nhiệt độ quá cao. Các bước trong quy trình và kỹ thuật của mỗi bước trong công đoạn sấy lá cần tuân thủ chặt chẽ, trong đó có cả một số bí quyết riêng của các lò để lá sau khi sấy vẫn giữ được màu sắc tự nhiên của lá. Sấy lá nón bằng than mà không sử dụng hoá chất tẩy trắng là điểm khác biệt cơ bản nhất của công đoạn sơ chế nguyên liệu lá nón so với các địa phương khác.

Có thể thấy quy trình làm nón với nhiều công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ để có một chiếc nón lá Huế đẹp đã tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm.

Điểm đặc sắc quan trọng nhất, đặc điểm làm nên tên tuổi và danh tiếng cho nón lá Huế, là những “bài thơ trong chiếc nón”. Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nghĩ ra việc làm nón bài thơ, tức là việc ghép các câu thơ, các bức tranh phong cảnh, các hoa văn cắt giấy vào nón lá Huế để có sản phẩm mới, độc đáo là nón bài thơ. Có lẽ cũng như các tác phẩm nghệ thuật dân gian: tác giả là nhân dân.

So với chiếc nón lá các vùng miền khác thì nón Huế đi vào thơ ca, nhạc họa nhiều nhất. Hình ảnh cô gái Huế với chiếc nón bài thơ, khi che trên đầu, khi cầm trên tay, khi nghiêng nghiêng e thẹn đã tạo nên một vẻ đẹp rất Huế. Trong ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có đoạn:

Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…

Ở đoạn buồn nhất của bài hát, nhạc sĩ đã nhắc đến nón lá như là một hình tượng mong manh của người phụ nữ Huế trước những đau thương.

Trong ca khúc Huế Xưa, nhạc sĩ Anh Bằng cũng nhắc đến nón lá với hình ảnh rất đẹp:

Buổi trưa em che nón lá,
cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ…

Người con gái Huế che nón lá và dạo bước trên cầu Trường Tiền ban trưa, cá ở dưới sông liếc lên thấy dung nhan của nàng cũng phải ngẩn ngơ nhìn, thì thử hỏi những chàng trai mới lớn nếu nhìn thấy thì chịu sao đặng. Cũng giống như một câu ca dao hồi xa xưa, lúc mà học trò còn phải lều chõng ra kinh kỳ ứng thí:

Học trò xứ Quảng ra đi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành…

Trong một bài nhạc vàng viết về người con gái Huế khác là Người Em Vỹ Dạ, nhạc sĩ Minh Kỳ mô tả cô nữ sinh Đồng Khánh e lệ giấu đôi mắt biếc đằng sau vành nón lá khi gặp người trai viễn phương bên chợ Đông Ba:

Nón lá che khuất mắt biếc.
Cắp sách sớm trưa chiều
Đi học Ðồng Khánh qua cầu Trường Tiền…

Tà áo dài nữ sinh và chiếc nón lá đã xuất hiện nhiều ở trong thi ca, thể hiện sự nhẹ nhàng và tinh tế. Nếu tà áo dài tôn lên vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng, thùy mị của người con gái thì nón lá lại làm cho người con gái mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, kín kẽ và đậm đà hơn rất nhiều. Khung cảnh Huế mộng mơ, những con đường im mát, những cô gái Huế trong tà áo dài tha thướt đội nón bài thơ đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp tượng trưng của Huế.

Không chỉ nón lá xứ Huế mới được đi vào trong nhạc vàng, mà nón lá vùng Hậu Giang cũng trở nên đằm thắm trong ca khúc nổi tiếng nhất mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác sau năm 75:

Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm.
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh.
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ.
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…

Nón lá mà kết hợp với chiếc áo bà ba là gợi lên hình ảnh lam lũ chịu thương chịu khó (nhưng cũng không kém phần duyên dáng) của những người con gái vùng sông nước.

Trong một ca khúc sau năm 1975 khác, nhạc sĩ Khánh Băng vẽ lên hình ảnh rất đẹp về người con gái chờ ngóng người yêu:

Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha…

Bên bờ đê xung quanh là màu xanh bạt ngàn của đồng lúa, hình ảnh một cô gái đứng nghiêng vành nón đứng chờ, gợi hình ảnh nhỏ bé đáng thương của những cô thôn nữ vẫn luôn trung trinh một mối tình. Chiều chiều, bóng dáng ấy lại ra đứng ngóng, dù không hề biết rằng phải chờ người đến khi nào…

Có thể nói nón là là hình ảnh mang đậm nét dân tộc và phù hợp với văn hóa người Việt. Bởi vì nón lá có thể mang cùng với áo dài, áo bà ba, chứ nếu mặc đầm hoặc đồ Tây thì sẽ không được thuận mắt.

Ngày nay ở thành thị, với nét sống vội vã nơi phố phường, nón lá không còn phù hợp nữa. Các chị, các cô đi xe giữa đường không thể đội nón lá, cũng như không thể đội nón lá để đi làm ở công sở. Vì vậy nón lá chỉ còn được nhìn thấy ở thôn quê, ở những nơi mà thời gian vẫn còn thong dong và trôi qua chậm rãi.

Bài tổng hợp