“Đường Xưa Lối Cũ” – đoạn hồi ký về cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc vàng miền Nam. Không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, ông còn là một người thầy của nhiều nhạc sĩ danh tiếng khác, vì cuốn sách dạy nhạc “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” do ông soạn năm 1955 trở thành gối đầu giường của các nhạc sĩ thế hệ sau.

Nhắc đến những sáng tác của Hoàng Thi Thơ, ai cũng biết bài hát Đường Xưa Lối Cũ, với nét nhạc thiết tha và nuối tiếc, như là một hồi ký về cuộc đời của Hoàng Thi Thơ. Khi nghe những câu hát như “người em sang ngang khi xuân chưa tàn”, khán giả sẽ liên tưởng ngay đến một câu chuyện tình buồn lãng mạn. Nhưng thật ra những câu hát này Hoàng Thi Thơ viết tặng cho “người em gái ruột” của ông.

Theo nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, là nghĩa tử, cũng là cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Đường Xưa Lối Cũ được sáng tác trong năm 1958, khi Hoàng Thi Thơ trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì chiến tranh loạn lạc.

Nhắc lại về thời trước đó của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông gia nhập Việt Minh trong khoảng thời gian 1945 – 1946, hoạt động về tuyên truyền kháng chiến ở Nghệ An. Thời điểm này ông có mối tình sâu đậm với ca sĩ nhạc đỏ Tân Nhân.

Năm 1952, ông từ vùng kháng chiến ở Thanh Hóa về Huế, định xin gia đình người anh một số tiền để có thể đưa người yêu ra Hà Nội với mục đích theo học Văn Khoa ở đây. Tuy nhiên, hai người anh của ông ở Huế đã bị Việt Minh hành quyết vì vu cho tội thân Pháp. Niềm tin vào kháng chiến của Hoàng Thi Thơ do đó vụt tắt, ông quyết định vào Saigon bắt đầu lại cuộc sống, mang theo hai đứa cháu vừa mất cha để nuôi nấng như là con ruột, đó chính là nhạc sĩ Hoàng Thi Thao và tỷ phú Hoàng Kiều hiện nay. Hoàng Thi Thơ kết hôn cùng với nữ ca sĩ xinh đẹp Thúy Nga năm 1957 rồi trở về thăm quê năm 1958.

Đối với thế hệ trưởng thành trong thập niên 1940 thì “Ra đi” hay “Trở về” là một đề tài tạo nhiều xúc động. Đó là thời gian mà những cuộc ra đi, trở về nhuốm nhiều đau thương, nhiều nước mắt nhất, do những biến động lớn của lịch sử Việt Nam thời đó. Nhiều người cho rằng những đoạn lìa, tang chế đứt ruột này, khởi sự từ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Để rồi sau đấy, là cuộc di cư của hơn một triệu đồng bào vào miền Nam.

Riêng đề tài “trở lại” hay “tìm về” của nền tân nhạc Việt trong giai đoạn thập niên 1940, 1950, dòng nhạc Việt ghi nhận được khá nhiều những ca khúc mà tới hôm nay, dù khói lửa đã nguôi, tàn tro đã lắng, nhưng mỗi khi nghe lại các ca khúc ấy, những tâm hồn nhạy cảm vẫn không khỏi bồi hồi, ngậm ngùi, tựa một lần thêm chứng kiến, sống lại với xiết bao thương đau cũ.

Nếu chỉ chọn ra những ca khúc mà ngay tự nhan đề đã nói rõ, nói hết nội dung tác phẩm thì trong giới hạn của mươi năm kể trên, người ta thường liên tưởng tới “Ngày về” của Hoàng Giác; “Trở về” của Châu Kỳ; “Ngày trở về” của Phạm Duy; và dĩ nhiên không thể không nhớ “Đường Xưa Lối Cũ” của Hoàng Thi Thơ…

Riêng Hoàng Thi Thơ, khi trở về qua ca khúc “Đường Xưa Lối Cũ”, ông tìm lại những người thân của mình, đó là “mẹ già” và “em gái”:

Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi
Đường xưa lối cũ, có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ, có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai

Đường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng
Đường xưa lối cũ, có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng…

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…

Trong bài hát, không có lời nào là tỏ tiếng yêu thương trai gái, mà theo Hoàng Thi Thao cho biết thì người con gái trong bài này chính là người em của Hoàng Thi Thơ:

Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.

Lời đề tặng Mẹ và Em trong bản phát hành lần đầu năm 1958

Bài hát Đường Xưa Lối Cũ mang tính “chuyện kể”, “hồi ký”, nên tới nay đó vẫn là những lời nói thay cho tình cảm của nhiều gia đình Việt nam; cả khi họ không cùng một tâm cảnh với tác giả.

Trong bài hát, Hoàng Thi Thơ nhắc đến người mẹ với câu hát cảm động:

Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Khi viết bài này năm 1958, thật ra Hoàng Thi Thơ đã biết tin người mẹ kính yêu đã qua đời đột ngột vào khoảng năm 1954, vào thời gian ly loạn nhất của đất nước. Hoàng Thi Thơ mang nặng nỗi lòng về quê hương mình, một số bài hát ông đã ký tên là Bích Khê (tên ngôi làng) và Triệu Phong (tên huyện), là những địa danh gắn liền với thời thơ ấu của ông.

Trong lời đề tựa cuốn sách dạy nhạc được Hoàng Thi Thơ soạn là “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông” năm 1955, ông ghi: “kính dâng hương hồn phụ – mẫu và anh”.

Đồng thời lời đề tặng cũng nhắc tới Tân Nhân, người yêu bị thất lạc trong kháng chiến, người mà đã mang trong mình đứa con của Hoàng Thi Thơ khi hai người xa cách ở hai chiến tuyến. Đến đầu thập niên 1990, ông mới gặp lại người con này 

Tổng hợp
(sử dụng tư liệu của Du Tử Lê)