“Dòng sông xanh” – giai điệu làm nên tên tuổi Thái Thanh

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ lời bản nhạc ngoại “Dòng sông xanh” cho Thái Thanh hát để ghi điểm với chị gái cô – ca sĩ Thái Hằng.

Danh ca Thái Thanh qua đời ở Mỹ hôm 17/3, thọ 86 tuổi. Trong 70 năm ca hát, bà để lại nhiều bản thu nổi tiếng với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy như Cỏ Hồng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Kỷ Niệm… Trong số đó, Thái Thanh từng tâm sự bà yêu thích nhất bài Dòng Sông Xanh. Trong CD Dòng Thời Gian – Thái Thanh và ba thế hệ, danh ca kể rằng thập niên 1990, Dòng Sông Xanh là ca khúc bà được khán giả yêu cầu biểu diễn nhiều nhất.

Phần lời Việt của bài hát ra đời năm 1948, khi Thái Thanh mới 14 tuổi. Lúc ấy, nhạc sĩ Phạm Duy đang theo đuổi chị gái bà – ca sĩ Thái Hằng. Để ghi điểm với cô chị, ông viết lời Việt cho một bản Waltz rất nổi tiếng lúc bấy giờ – Le Beau Danube Bleu (Dòng sông Danube xanh) của nhạc sĩ Áo Johann Strauss II – cho cô em hát.

Thái Thanh từng kể lần đầu tiên bà hát nhạc phẩm ở một vùng quê ở quân khu 4 những ngày tản cư trong kháng chiến. Lúc đó, bà vẫn run khi lên sân khấu biểu diễn trước đông người. Giọng hát của cố danh ca mềm mại, có độ vang, khiến người nghe cảm nhận không gian trữ tình êm đềm với mây trời, nước biếc.


Ca khúc “Dòng Sông Xanh” do Thái Thanh thu âm tại hải ngoại

“Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh
Một dòng nồng ý biếc
Một dòng sầu mấy kiếp

Một dòng trời xao xuyến
Một dòng tình thương mến
Một dòng còn quyến luyến
Một dòng nhớ quay về
Miền đời lúc mơ huyền”

Hát điệu Waltz đậm chất phương Tây, Thái Thanh thể hiện sự lộng lẫy, hào sảng trong những nốt ngân nga ở điệp khúc. Tuy nhiên, bà vẫn chinh phục khán giả trong nước qua âm sắc giọng phảng phất ảnh hưởng từ nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như quan họ, chèo, ca trù, đặc biệt trong phân đoạn mang cảm xúc hồi tưởng.

“Ngày ấy, có tiếng ai khoan hò thuyền về
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi.

Ngày ấy, lúc đến bên em một lời thề
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi”


Thái Thanh hát Dòng Sông Xanh phiên bản thu âm trước 1975

Ở phần cuối bài hát, Thái Thanh ngân dài những tiếng “hà há” lả lướt, trầm bổng theo từng nhịp nhạc. Chất giọng nữ cao trữ tình của bà uốn lượn trên nền giai điệu, phiêu theo từng nốt, khiến người nghe cảm nhận được sự hòa quyện sâu sắc giữa tiếng hát và giai điệu. Cách ngân nga của bà gợi nhớ phong cách opera nhưng mềm mại, trìu mến hơn. Khi nhắm mắt lại, người nghe có thể hình dung khung cảnh chiếc thuyền lướt trên dòng sông êm đềm, dập dềnh theo từng con sóng.

Dòng sông xanh phản ánh đầy đủ cung bậc cảm xúc trong giọng hát Thái Thanh, trầm lắng ở phần đầu và vui vẻ ở phần sau. Qua từng nhịp nhạc, tiếng ca của bà thể hiện sự hân hoan, hạnh phúc, khiến người nghe cảm thấy thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Đó là lý do nhà nghiên cứu âm nhạc Georges Etienne Gauthier từng nói về giọng hát của bà: “Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe… Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu”.

Nhờ Dòng sông xanh, nhạc sĩ Phạm Duy thêm yêu giọng hát Thái Thanh. Ông từng nhận xét: “Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào”. Ông sáng tác nhiều ca khúc phù hợp với Thái Thanh để tôn lên vẻ đẹp giọng hát bà. Sau này,  ca sĩ Lê Dung, Ngọc Hạ, Ánh Tuyết từng hát lại ca khúc. Trong số đó, bản Dòng sông xanh do Ánh Tuyết thể hiện khá phổ biến, được đánh giá gần giống với bản của cố danh ca về màu sắc giọng hát. Tuy nhiên, người nghe vẫn nhắc đến phiên bản của Thái Thanh nhiều nhất. Bà đã thể hiện trọn vẹn tinh thần của âm nhạc phương Tây cổ điển, được du nhập và yêu thích ở Việt Nam những năm 1990.

Bản nhạc gốc của ca khúc được trình diễn lần đầu năm 1867, mang âm hưởng Waltz đặc trưng của châu Âu, với nhịp 3/4 nhẹ nhàng cùng nhiều nốt luyến láy tình tứ. Trang The Local của Áo cho rằng ca khúc ra đời sau trận bại chiến của Áo trước quân đội Phổ ở Koniggratz, năm 1866, nhằm khích lệ tinh thần người dân Áo. Bản nhạc có lời tiếng Đức nói về vẻ đẹp thanh bình của nước Áo qua khung cảnh êm đềm của dòng sông Danube. Tuy nhiên, phiên bản không lời nổi tiếng hơn.

“Danube xanh, một màu xanh rất đẹp
Chảy qua thung lũng và đồng cỏ
Vienna của chúng tôi chào đón bạn…”

The Local nói Le Beau Danube Bleu gợi lên không khí thanh lịch của thành phố Vienna thế kỷ 19, bài hát giống như quốc ca không chính thức của nước này. Khi chuyển ngữ tiếng Việt, Phạm Duy có nhắc đến “mối tình bên bờ thành Vienna”. Tuy nhiên, khi miêu tả khung cảnh dòng sông, ông khiến khán giả cảm thấy gần gũi, như thể đó là một dòng sông ở Việt Nam.

Nguồn: Hà Thu – VnExpress.net