Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ – Tác giả của Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái…

 
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng. Và cho dù là người “khác chiến tuyến” nhưng những ca khúc nhạc lính của ông vẫn được đông đảo người miền Nam yêu mến, tiêu biểu là Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Đan Áo Mùa Xuân. Ngoài ra, Phạm Thế Mỹ còn là tác giả của nhiều ca khúc nhạc vàng đậm chất dân ca và mang tình yêu quê hương tha thiết như Thương Quá Việt Nam, Bến Duyên Lành, Thuyền Hoa, Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Đường Về Hai Thôn, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại…


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là con út trong một gia đình nghèo có đến 13 người con ở An Nhơn – Bình Định. Khác với hai người anh ruột chọn lựa đi theo nghiệp cầm bút là nhà thơ Phạm Hổ và nhà văn Phạm Văn Ký, từ nhỏ Phạm Thế Mỹ đã say mê âm nhạc. Cậu bé Phạm Thế Mỹ thổi sáo trúc nổi tiếng khắp vùng. Người cha sợ món nhạc cụ ấy sẽ khiến con mình bị ho lao, nên dành dụm mua cho Phạm Thế Mỹ một cây đàn ghita. Đúng là cá gặp nước, Phạm Thế Mỹ không chỉ đánh ghita điệu nghệ mà còn tập tành sáng tác. Năm 15 tuổi, ca khúc đầu tay “Nắng Lên Xóm Nghèo” viết về chính mảnh đất mình đang gieo neo cùng người thân, đã lập tức giúp Phạm Thế Mỹ nổi tiếng.

Phạm Thế Mỹ trong thời gian làm phóng viên báo Quân đội nhân dân 

Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tham gia cách mạng, và làm công tác tuyên huấn ở quân khu 5, làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ 1959 đến 1970 ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh… ở Đà Nẵng. Trong những năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ “Bông Hồng Cài Áo”, lấy ý từ thơ Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông sáng tác các bài hát như “Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương”, “Người Về Thành Phố”, “Những Người Không Chết”… được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn-Mỹ-Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.

 

Trong thời gian công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ông xem Nguyễn Thị Diệu Lý (sinh viên của trường) hát bài “Bông Hồng Cài Áo” trong lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Việc Diệu Lý chọn bài hát “Bông Hồng Cài Áo” cũng tình cờ vì cô thích bài hát này cũng như đáp ứng tính công chúng thời đó. Đến khi cô trở thành giọng ca chính của Vạn Hạnh thì Diệu Lý mới biết tác giả của “Bông Hồng Cài Áo” là người thầy lâu nay chỉ huy dàn hợp xướng Vạn Hạnh. Và điều bất ngờ đến với cả hai là họ đều là người đồng hương Bình Định (quê Diệu Lý ở thành phố Quy Nhơn). Dù ông lớn hơn cô hơn 20 tuổi nhưng cả hai cùng chung quan điểm sống và nảy sinh tình cảm. Họ chính thức kết hôn năm 1975. Hầu hết các tập nhạc của ông đã được xuất bản đều có chung tên người trình bày là Diệu Lý. Bạn bè của ông thường nói, có hai người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của Phạm Thế Mỹ. Người thứ nhất là mẹ ông. Người thứ hai chính là vợ, ca sĩ – Diệu Lý.

Sau năm 1975, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”, “Thắm đượm duyên quê,” “Lêna Belicova”… Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4. Cuộc sống khó khăn của Phạm Thế Mỹ sau năm 1975 được trang báo giaoduc.edu.vn kể lại như sau:

Sau một thời gian dạy học, Nhà nước cấp cho bà Diệu Lý (vợ Phạm Thế Mỹ) một căn nhà ở Tân Thuận, nhưng chỉ ở đó một thời gian vì không tiện trong việc đi lại ca hát, làm việc cho cả hai. Vì thế, lãnh đạo Nhà Văn hóa Q.4 tạo điều kiện cho vợ chồng ông về ở trong một căn phòng tạm của Nhà Văn hóa. Trong khi bao người mong được có chỗ an cư thì ngược lại nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bàn với vợ trả căn nhà ấy. Bà Diệu Lý nhớ lại: “Thời gian đó đồng lương nghề giáo không đủ sống, tối đi ca hát nhưng bữa ăn chỉ có cơm với tương, chao và rau. Anh Mỹ bảo mình cũng chưa đến nỗi thiếu chỗ ở, thôi thì trả lại để Nhà nước cấp cho người khác khó khăn hơn mình”.

 

Sau này, nhiều nhà sản xuất băng đĩa ở nước ngoài tìm đến xin ý kiến để thực hiện một số chương trình, đêm nhạc mang tên ông, ông đều không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Lần có một nhà kinh doanh băng đĩa về nước tìm đến thấy gia đình nhỏ của ông nằm trong xóm lao động nghèo liền buột miệng: “Tôi không nghĩ một nhạc sĩ nổi tiếng như ông mà lại sống ở khu thế này?”. Nghe vậy, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vặn lại: “Khu thế này là khu thế nào? Với tôi, ở đây là tốt lắm rồi. Tôi không mong gì thêm nữa”. Người kia cảm thấy mình bị hớ, càng nể phục người nhạc sĩ tài năng sống một đời thanh bạch.

Thời gian sống ở căn phòng tạm của Nhà Văn hóa Q.4 là khi ông cho ra đời nhiều sáng tác nhất. Cường độ làm việc của ông gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhạc sĩ khác. Những hôm cúp điện, ông thắp đèn dầu cắm cúi viết nhạc đến sáng. Suốt một thời gian dài như thế, sức khỏe ông ngày càng sa sút. Từ đó, những cơn đột quỵ đến với ông thường xuyên. Bệnh tình chưa lành hẳn, bác sĩ khuyên ông nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng ông lại lao vào làm việc như thể “thèm thuồng” lắm. Vì thế, ông lại bị tai biến nặng. Có thời kỳ ông không thể tự đi lại được.

 

Về sau, gia đình chuyển về nơi ở mới, đó là căn nhà chung cư được Nhà nước cấp có diện tích khiêm tốn ở Q.4. Lúc bấy giờ cô giáo Diệu Lý chuyển công tác về Trường THCS Nguyễn Huệ, cùng quận. Bà Diệu Lý kể, thời gian bệnh tình của ông nghiêm trọng là lúc hai con vẫn còn đi học. Một mình bà vừa phải lên lớp, trưa tất tả về nhà lo cho ông bữa cơm. Nhiều lúc bà đuối sức nhưng vì những gì ông đã nói, bà không dám nghĩ đến chuyện nghỉ dạy. Một hôm, bà từ trường về nhà thấy cửa khóa bên trong, nhìn qua khe cửa thì phát hiện ông nằm bất động dưới sàn nhà. Không còn cách nào khác, bà sang nhà hàng xóm xin đi nhờ ra sau, cột áo dài lại rồi trèo tường để vào nhà đưa ông đi bác sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009, sau thời gian dài bị bệnh, ở tuổi 79. Trước khi ông mất, nằm trên giường bệnh ông cũng kịp hoàn chỉnh hai trường ca lớn là “Con đường thế kỷ” (đường Hồ Chí Minh) và “Gió Củ Chi”.

nhacxua.vn biên soạn