Ca sĩ Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết, trong một gia đình Phật tử không có ai theo con đường nghệ thuật. Cô theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm 6 tuổi.
Ngay từ thời niên thiếu, cô thích ca hát và thường tham gia trong các buổi trình diễn văn nghệ của Gia Đình Phật Tử vào dịp lễ Phật Đản, Vu Lan…
Năm 1967, khi mới 16 tuổi, Trang Mỹ Dung ghi danh cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức. Sau buổi sơ khảo, nhạc sĩ Anh Bằng đến nói chuyện, khuyến khích cô theo con đường ca hát và nhận vào học lớp nhạc Lê Minh Bằng.
Trong vòng chung kết cuộc thi hát năm đó, Trang Mỹ Dung gây ứng tượng mạnh với công chúng với nghệ danh Mỹ Dung và hát bài Nửa Đêm Ngoài Phố, và được khán giả gọi là “Thanh Thúy mới”.
Khi đi hát được một thời gian ngắn thì cô được nghệ sĩ Tùng Lâm mời tham gia vào Ban Tạp Lục phát sóng hằng tuần trên Đài phát thanh. Thời điểm này đã có một cô ca sĩ trùng tên là Mỹ Dung, cũng là học trò của nhạc sĩ Anh Bằng, nên Trang Mỹ Dung muốn đặt một nghệ danh khác. Lúc đó cô thấy các học trò của Tùng Lâm có Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, nên tự đặt nghệ danh cho mình là Trang Mỹ Dung. Hơn nữa, tên thật của cô là Trương Thị Mỹ Dung, và Trang cũng gần đồng nghĩa với chữ Trương.
Khi theo học tại lớp nhạc Lê Minh Bằng, Trang Mỹ Dung được thầy là nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu đến thâu âm cho hãng dĩa Asia – Sóng Nhạc mà ông đang cộng tác. Vào ngày 9/8/1967, một sự kiện quan trọng trong nghiệp hát của Trang Mỹ Dung đã diễn ra, đó là ngày cô được thu âm ca khúc đầu tiên “Hai Mùa Mưa” tại hãng Sóng Nhạc. Đây là sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng được ký dưới tên Mạc Phong Linh, qua giọng hát của 1 giọng ca mới là Trang Mỹ Dung đã trở nên phổ biến khắp nơi.
Bản thu âm Hai Mùa Mưa của Sóng Nhạc được nhạc sĩ Y Vân hòa âm, đã gây ấn tượng với tiếng còi tàu buồn man mác ở cuối bài, cho đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe. Cho đến nay, nhắc đến bài Hai Mùa Mưa, người ta vẫn nhắc đến tên tuổi Trang Mỹ Dung, và ngược lại. Mời bạn nghe lại bên dưới.
Click vào hình để nghe Trang Mỹ Dung hát Hai Mùa Mưa, bản thu âm “huyền thoại” trước năm 1975
Sau thành công với Hai Mùa Mưa, Trang Mỹ Dung lần lượt hát thêm nhiều bài “mưa” khác của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác là Mưa Đầu Mùa, Mưa Cuối Mùa, Chuyện Ba Mùa Mưa… và được đặt biệt danh là “Giọt buồn trong mưa”. Ngoài ra cô cũng được nhiều hãng dĩa khác mời cộng tác và có mặt trong các đoàn văn nghệ đi lưu diễn khắp miền Nam.
Đầu thập niên 1970, tên tuổi ca sĩ Trang Mỹ Dung tỏa sáng rực rỡ, có thể sánh ngang với các ca sĩ thế hệ đàn chị như Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền… Tiếng hát trầm buồn của cô vào thời gian đó là một giọng ca hiếm và hoàn toàn mang tính riêng biệt. Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao thì không may vào cuối năm 1973, cô phải tạm gác lại sự nghiệp rất đáng tiếc vì một tai nạn nghiêm trọng. Cô kể lại:
“Năm 1973, trong chuyến đi lưu diễn miền Trung, xe của tôi bị lật khiến xương hàm bể, người đầy thương tích. Tôi phải cột hàm không thể ăn uống và tạm dừng ca hát một thời gian. Một lần khác khi đang quay hình, tôi bước xuống từ sân khấu và bị hụt chân té, bị nứt xương phải nằm viện nhiều tháng. Sau năm 1975, tôi nghĩ bản thân chẳng thể nào đi hát nhưng sau đó tìm cách trở lại sân khấu và chọn những ca khúc thích hợp với bản thân để hát”.
Ca sĩ Trang Mỹ Dung cũng từng kết hôn một lần vào năm 1976, nhưng không có con và chia tay nhau một cách nhẹ nhàng vào năm 1992. Sau đó cô sống cùng với mẹ và các em.
Năm 1997, một biến cố lớn nhất cuộc đời cô, đó là việc ra đi mãi mãi của người mẹ thân yêu: “Năm 1997 thì mẹ tôi mất, đó là một biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”.
Sau thời điểm đó, cô không còn đi hát nhiều, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện tại tại phòng trà, sân khấu ca nhạc, chủ yếu là tham gia các chương trình ca nhạc từ thiện, Phật giáo.
Hiện nay, Trang Mỹ Dung cho biết cô có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản và an lành bên gia đình, các em và các cháu. Mọi người sống hòa thuận, tình cảm, thương yêu, quan tâm lẫn nhau.
Cho đến nay, hình ảnh của Trang Mỹ Dung để lại trong lòng công chúng luôn là sự hiền hòa. Những ai từng gặp cô đều công nhận cô rất hiền, ít nói, nhưng dễ tiếp xúc, dễ nói chuyện và rất dễ thương trong từng cử chỉ và lời nói.
Mời bạn nghe lại 1 album thu âm sau năm 1975 của Trang Mỹ Dung ở bên dưới:
Đông Kha (nhacxua.vn)