Chân dung những tiếng hát – Phương Dung, tiếng hát gọi nhạn trong sương

Vào những năm 1963, 1964, ca khúc “Những Đồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh được nổi như cồn là nhờ giọng hát của Phương Dung, cô ca sĩ sinh quán Gò Công. Nhưng nói cho cùng, cũng nhờ bản này mà trong một sớm một chiều Phương Dung trở thành một ngôi sao ca nhạc sang lộng lẫy như ngôi sao của Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu và Duy Khánh trước đó vài năm.

Tiếng hát của Phương Dung vang lộng, lánh lót và dẻo mề dẻo mệt. Cách diễn tả của cô không có màu mè riêu cua. Tiếng hát sung mãn và tươi xanh như cỏ tranh, như những loại cây mọc mé sông rạch miền Tiền Giang lẫn miền Hậu Giang như: cây ô-rô, cây bình bát, cây muối, cây dứa gai… Cô được mệnh danh là “Con nhạn trắng Gò Công”, nhưng tiếng cô chỉ lảnh lót như tiếng nhạn, chứ không quá buồn như tiếng nhạn. Cũng như tiếng nhạn, nó gợi một chút gì nuối tiếc cái bóng hạnh phúc đã trôi qua. Nhạn như tiếc mùa xuân tươi mát cỏ cây, mùa hè đẹp nắng và giờ đây phải đối diện với mùa thu ảm đạm sương mù và kéo theo mùa đông lạnh lẽo. Còn Phương Dung khi hát, tiếng hát cô như phảng phất một chút u hoài dìu dịu, một chút luyến tiếc bảng lãng gần như mơ hồ về mảnh đất quê hương Gò Công của cô và thời còn cắp sách đến trường.

Phương Dung chỉ có duyên mà không đẹp. Mặt cô không có chi tiết nào lỗi lầm thô tháp, nhưng cũng không có điểm sang nào nổi bật. Cô có vẻ phúc hậu , thông minh. Cặp mắt cô không lớn lắm, ánh mắt bình thản. Cặp môi cô khá thanh tú và rõ nét thường nở nụ cười điềm đạm, nhưng rất ấm áp ân cần. Vầng trán cô sang nhuận. Vóc vạc cô vừa tầm và thanh cảnh. Khi lên sân khấu, cô không hề ăn diện choáng lộn, thường là áo dài trắng. Cô vẽ mày và tô viền mắt thật thanh, thật kín đáo, giồi phấn hồng sương sương, tô son màu đỏ hạt lựu tuy bóng mà thật dịu thật ngọt mắt. Vào những thập niên 60 và vào 5 năm đầu của thập niên 70, cô không có vẻ nghệ sĩ chút nào vì cô đeo nữ trang dành cho lúc lên sân khấu qúa ít. Cô có vẻ như một nữ sinh lúc mới ra nghề. Nhiều năm tháng trôi qua, cô có vẻ một cô giáo tỉnh lẻ. Cho nên hình ảnh cô rất gần gũi và rất thân ái với đa số khán thính giả bình dân hay đa số khán thính giả bậc trung lưu.

[…]

Tại Gò Công, ngoài hai món mắm tôm chà và mắm tôm chua, còn có thứ mãng cầu biển to và ngọt hơn các thứ na ở miền Bắc, còn có thứ đu đủ xiêm ruột màu gạch ửng tím ngon hơn các loại đu đủ ruột vàng ở các vùng khác. Ngoài âm sắc ngời sang và lộng lẫy, giọng hát Phương Dung còn ngọt lịm làm chúng ta nghĩ đến vị ngọt của mãng cầu biển và của đu đủ xiêm. Nó còn mặn mà tình ý làm ta nghĩ đến hai món mắm bất hủ kia.

Nhưng dù bản chất tiếng hát của Phương Dung là châu ngọc long lanh, là gương báu rạng ngời, nhưng Phương Dung không mấy chú trọng đến vấn đề trau dồi nó bằng kỹ thuật. Cô dàn trải làn hơi không đều. Ở những chỗ ngang ngang cô dồn hơi cho tiếng vang lộng, gây một dư âm sang sang, nhưng đến khi lên cao hay xuống trầm, tiếng hát không lánh lót khi lên cao, và trở nên hơi mỏng hơi và hơi nghẹn ngào khi xuống trầm. Đây là một giọng hát lấy cái véo von của tiếng hót chim ý nhi, lấy cái xao động của cành lá thùy dương reo trong gió để làm đẹp, làm cái quyến rũ cho giọng hát vốn không được luyện tập theo phương pháp chân truyền của mình. Nghe Phương Dung hát, chúng ta còn nghĩ đến thứ gỗ cẩm lai tuy được bào chuốt láng mặt nhưng chưa được đánh lớp “vẹc-ni” cho mặt bóng ngời như gương soi. Chúng cũng còn nghĩ đến đá hoa cương chưa giồi mặt sau khi làm thạch bàn. Và nó cũng như rượu nếp than, tương, chao, nem, tré, xôi rươu chưa dậy men sung mãn để làm món ăn thức uống ngon miệng cho thực khách.

Phương Dung không biết ngân nga. Ở tiếng chót mỗi câu, cô chỉ nắn nót một vài hột ríu rít bời rời; đó không thể gọi là chuỗi ngân được. Có nhiều chỗ cô không thèm ngân nga, cũng không thèm kéo dài làn hơi. Vì sao? Bởi cô phung phí làn hơi ở những chỗ dễ hát để tiếng hát đầy âm vang, sang lồng lộng như vòm trời tràn ngập ánh trăng rằm; đến khi lên hơi cao cần có làng hơi phong phú để kéo dài trường độ nốt nhạc ở tiếng cuối câu hát thì cô hụt hơi, thế là cô bỏ cuộc một cách tỉnh bơ, một cách gọn gang, không thèm ngân nga làm chi cho cực thân?

Nhưng mà nghĩ cho cùng, nếu Phương Dung hát theo nề nếp chân truyền, có thể ngân nga dễ dàng như Mộc Lan, Châu Hà và Kim Tước thì chưa chắc cô được quần chúng đón nhận một cách say sưa nồng nhiệt như thế. Đa số quần chúng ghét ai hát mà bày chuyện ngân nga mà họ cho là rên i ỉ. Tiếng hát Phương Dung có thể đáp ứng cái sở thích quá đơn giản ấy. Lại nữa, tiếng hát ấy đã đẹp sẵn rồi, cô không cần trau chuốt dồi mài làm chi cho mất công. Đó như là rau cải diếp, rau húng, rau quế, dưa leo chỉ để dành cho thực khách ăn uống, để họ cảm nhận được cái tươi mát thơm tho của chúng. Chỉ có loại rau dền, mồng tơi, bồ ngót, đậu ve, đậu đũa, cải làn mới cần phải xào hoặc nấu cho chín mềm và phải được thêm gia vị thì mới ngon. Tiếng hát của Phương Dung là loại rau ăn sống. Nó tươi rói, tràn trề sinh lực. Nó mộc mạc thân ái với khiếu thưởng ngoạn đơn giản và dễ dãi của một số khán thính giả đông đảo hùng hậu.


Nghe giọng hát Phương Dung trước năm 75

Thôi, xin chấm dứt phần phân tích tiếng hát ở đây. Bây giờ xin các bạn đi vào tiếng hát Phương Dung Để mường tượng cái chân dung của giọng hát đó. Chúng ta có thể nghi đến tiếng đàn nhạn trắng bay trên những dải ruộng miền bưng biền ở xứ Gò Công vào những chiều sương mù mịt, bỏ lại trên thôn xóm cheo leo tiếng kêu véo von đượm âm sắc buồn buồn. Là lúc đó thôn xóm đã lên đèn. Trong gió có tiếng song từ khơi xa đưa lại. Đó là lúc ngươì thôn phụ vùng Vàm Láng, Kiểng Phước đang dọn bữa cơm tối đợi người chồng đi biển trở về đòan tụ với gia đình xung quanh mâm cơm.

Gò Công, nơi có ruộng biền bao la (biền chứ không phải biển) tiếp giáp với sông rạch nước mặn. Nơi đó, có thứ lúa tiêu sau khi được xay giã thành thứ gạo hạt tròn, thơm hơn gạo “nàng hương chợ Đào” ở Long An, hơn gạo “Ba thắc” ở Cần Thơ. Nơi đó có bún lá hẹ làm bằng gạo lúa tiêu ngon nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nơi đó, có tiếng hát của Phương Dung, cũng thơm tình đất nước như gạo lúa tiêu, cũng óng nuột như bún lá hẹ được phơi bày tùng lọn dài trên phiến lá chuối cắt mặt tròn như mặt trăng rằm.

Phương Dung diễn tả nỗi buồn trong giọng hát cũng chừng mực thôi, không rên rỉ. Tiếng của cô ở chỗ ngang ngang thì ngọt mà không mềm. Nó dẻo dai như dây mây dây choại trong các cánh rừng tràm miệt U-Minh. Tự bản chất, nó như ngời ánh sáng, đôi lúc léo lên âm sắc dòn dã. Nó đến tâm hồn và trái tim những người ngưỡng mộ cô thật than thiết như một người bạn dễ thương mang theo hương thơm từ một khu vườn quen thuộc, mang theo ánh trăng mộng mị lấp loáng trên dòng sông kỷ niệm, hoặc mang theo ánh nắng ấm áp vào một mùa xuân hạnh phúc nào.

Giọng Phương Dung giờ đây ở chỗ ngang vẫn mạnh, vẫn loé âm vang chuông vàng khánh ngọc, vẫn rực nắng ngời trăng. Nhưng khi hát lên cao, cô nhốt sâu tiếng hát vào cuốn họng nên tiếng trở nên eo éo như tiếng mèo ngao, còn khi xuống trầm, tiếng hát mỏng như tơ nhện và chìm khuất trong tiếng dàn nhạc. Đó không phải lỗi ở cô mà ở tuổi đời. Vậy thì cô nên lựa những bài hát vừa với âm vực hiện thời của cô là hay hơn.

[…]

(Trích từ: Chân dung những tiếng hát của Hồ Trường An)

Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946 tại Gò Công, Tiền Giang là nữ ca sĩ nhạc quê hương nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1960 – 1970. Cô xuất thân là nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, bắt đầu đời ca hát từ khoảng năm 1960. Cô nổi tiếng năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công bài hát “Nỗi Buồn Gác Trọ” của Mạnh Phát và Hoài Linh vào năm 1962, sau đó tiếng hát của cô đã đi vào lòng người với bài hát “Những Đồi Hoa Sim” năm 1964, Dzũng Chinh phổ thơ của nhà thơ Hữu Loan. Năm 1965, với bài hát “Tạ Từ Trong Đêm” của nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, Phương Dung đã nhận được giải huy chương vàng dành cho nữ ca sĩ trong năm, và người nhạc sĩ của bài hát được giải Bài hát xuất sắc nhất trong năm.

Tên tuổi Phương Dung được chắp cánh thêm với mỹ danh “Con Nhạn Trắng Gò Công” mà thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho cô. Từ đấy con nhạn trắng Phương Dung bay không mệt mõi trong vùng trời âm nhạc, nghệ thuật cho đến năm 1974