Bí ẩn câu chuyện “người trinh nữ tên Thi” trong các ca khúc của Hoàng Thi Thơ

“Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi” là câu chuyện tình buồn lâm ly rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhiều người tưởng Hoàng Thi Thơ viết bài này để kể về câu chuyện của ông, nhưng không phải như vậy.

Hoàng Thi Thơ đã viết tới 3 bài hát về cô Kim Lệ Thi – nhân vật chính trong câu chuyện. Ngoài bài hát nổi tiếng Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, ông còn có bài hát Mối Tình Bất Diệt, ít nổi tiếng hơn, được ca sĩ Thanh Lan hát trước năm 75. Ngoài ra còn có bài Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng với câu chuyện tương tự, đó là một người con gái thất tình, đi lang thang trong rừng và cuối cùng nằm chết trên nệm êm lá vàng úa. Nếu như hai bài hát kia mang tính kể chuyện, thì bài hát Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng là lời tự sự khi tác giả đóng vai cô gái: Ta đi lang thang quên ngày tháng, quên trần gian, quên nhân tình đã quên mình”


Câu chuyện về Kim Lệ Thi được tác giả kể trong 3 bài hát là người trinh nữ đang tuổi trăng tròn, được nhiều người theo đuổi, nhưng nàng lại trót yêu một người nghệ sĩ đã có gia đình. Sau đó nàng đã quyết ra đi xe để quên đi cuộc tình ngang trái đó, rồi một sáng mùa đông, nàng nằm chết trên nệm lá vàng.

Câu chuyện thực ở ngoài không được thi vị như vậy. Kim Lệ Thi vốn là vũ công trong đoàn múa nổi tiếng nhất thời đó là đoàn múa Maxim của vũ sư Lưu Hồng và nghệ sĩ Mỹ Phương. Trước đó Lưu Hồng là vũ sư có tiếng tăm, được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mời về hợp tác và sinh hoạt thường xuyên tại nhà hàng Maxim, một nơi chốn nổi tiếng quen thuộc cho dân Sài Gòn có tiền và người yêu văn nghệ. Nhà hàng Maxim này của thương gia Huỳnh Đạo Nghĩa, người được biết là chủ nhân của công ty kem đánh răng Hynos Sài Gòn nổi tiếng ngày xưa.

Thời đầu thập niên 70, có nhiều trường phái về múa vũ. Nổi tiếng tại Sài Gòn có các trường dạy của vũ sư Ánh Tuyết (thân mẫu của ca sĩ Nguyễn Hưng ngày nay), hay vũ sư Nguyễn Thống, hay sư Thanh Xuân… Mỗi vũ sư như một trường phái riêng, nét hay riêng, thể điệu riêng, sắc thái riêng. Nhưng với vũ sư Lưu Hồng là vũ dân tộc trong những kịch bản của ca nhạc thời trang, nổi tiếng như là một dấu ấn của tên tuổi Lưu Hồng. Đoàn nghệ thuật của ông còn được biết với cái tên Vũ Bộ Lưu Bình Hồng. Đoàn múa Maxim của ông có 12 nữ vũ công chính, tất cả đều đẹp và múa giỏi. Họ đã được mời lên đài truyền hình góp mặt thường xuyên các chương trình ca nhạc Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn khắp các tỉnh thành, nhất là đi trình diễn cho các tiền đồn mặt trận cho lính. Trong 12 nữ vũ công có 3 chị em là Kim Lệ Thu, Kim Lệ Xuân, Kim Lệ Thi.

Kim Lệ Thi lúc đó mới 15 tuổi nhưng rất xinh đẹp, đem lòng yêu một nghệ sĩ đã có gia đình. Kim Lệ Thi không bị chết trong rừng trên nệm lá một cách thi vị như trong các bài hát của Hoàng Thi Thơ. Cô đã mang thai với người tình là vũ công. Mẹ của Kim Lệ Thi đã đưa cô đi pha’ thai, nhưng vì cô còn quá trẻ nên đã qua đời. Hoàng Thi Thơ là người dẫn đầu đoàn nghệ thuật Maxim, chứng kiến toàn bộ câu chuyện này. Ông cảm thương cho chuyện tình và số phận của người con gái trẻ và viết thành các bài hát bất tử. Trong lời đề tựa bài hát Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, ông viết:

Người con gái lạ lùng đó tên Thi. Thi trẻ đẹp như nhiều thiếu nữ thời nay. Thi yêu sớm. Tình Thi ngang trái. Người đời thị phi. Thi buồn và bỏ đi. Thi lên rừng. Có lẽ để khóc một mình dưới gốc cây già vô tri. Rồi cuối cùng Thi chết, một sáng mùa đông, trên nệm lá vàng…

Tôi biết người con gái đó. Tôi ngạc nhiên về lòng chung thủy của nàng. Chuyện tình đẹp, như một phép lạ đã mê hoặc tôi. Tôi mượn âm thanh để kể lại, để bất diệt hóa tình yêu của người. Xin Thi phù hộ cho tôi, cho cả những người nghe và hát “Chuyện Tình của người trinh nữ tên Thi”

Sau cái chết bất ngờ của Kim Lệ Thi, đoàn vũ chỉ còn 11 người, vẫn tiếp tục sinh hoạt. Có người kể rằng đã có nhiều biến cố xảy ra trong đoàn hay lúc trên sân khấu hay khi ở hậu trường, khiến mọi người trong đoàn nghĩ rằng đó là hồn ma oan uổng của cô Thi này về. Mọi người phải lập bàn thờ, vía tránh những tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra.

Lời bài hát:

CHUYỆN TÌNH NGƯỜI TRINH NỮ TÊN THI

Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ
Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn
Cuộc đời hồng nhan cay và đắng thôi thì lắm trái ngang
Bao nhiêu trai làng yêu nàng đi theo xin nàng tim vàng
Nàng vẫn không màng

Nàng đã trót yêu yêu một chàng một chàng nghệ sĩ
Tình hỡi ơi tình chàng đã có đã có gia đình
Người đời cười chê cho tình đó như là gió với trăng
E sao duyên mình không thành
Như bao cô nàng thất tình, nàng khóc một mình

Thi ơi Thi ơi Thi, Thi biết biết không Thi
Khi con tim yêu đương là sống với đau thương
Khi con tim yêu đương là chết với u sầu
Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn

Nàng quyết ra đi xa làng mình người tình yêu dấu
Đời ngỡ chắc rằng nàng đã bước đã bước qua cầu
Mà nào ngờ đâu ôm tình ấy đi tìm dẫy núi cao
Đi sâu vô rừng quên tình hay đi vô rừng trốn mình
Tình vẫn u sầu

Từ đó không ai ai còn gặp gặp nàng đâu nữa
Chỉ có con chim rừng nhiều khi thấy nàng khóc một mình
Rồi một mùa đông chim nhìn thấy thấy nàng dưới gốc cây
Tương tư nhân tình khôn lường, đau thương u tình vô cùng
Nàng chết trong rừng

Thi ơi Thi ơi Thi, Thi biết biết không Thi
Khi con tim yêu đương là sống với đau thương
Khi con tim yêu đương là chết với u sầu
Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn

MỐI TÌNH BẤT DIỆT

Người đời thường hỏi tôi chuyện tình,tình lâm ly
Người đời thường hỏi tôi chuyện tình nàng tên Thi
Vì sao nàng đau buồn vì sao nàng vô rừng
Rồi chết một sáng mùa đông trên nệm lá hồng

Tình đó tình đó thật có hay không hay chuyện hoang đường?
Chuyện tình người trinh nữ chuyện tình nàng tên Thi
Yêu chàng chàng nghệ sĩ nên đời thường thị phi

Tình duyên nàng đau buồn tìm quên nàng vô rừng
Rồi chết một sáng mùa đông rên nệm lá vàng
Tình đó tình đó thật quá bi thương khiến lòng ta ngỡ ngàng

Thi đã yêu nên Thi đã chết Thi đã yêu nên Thi chung tình
Duyên trái ngang cho nên tình lỡ thì thôi đành thát hẹn nhau một kiếp nào
Thi chết đi nhưng Thi vẫn biết muôn kiếp sau không ai quên mình
Thi chết đi cho anh nghệ sĩ ngàn năm còn nhớ còn thương một bóng hình

RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG

Ta đi lang thang theo ngày tháng, theo đời hoang
mang buồn đi bốn phương trời.
Ta đi rong chơi như là gió, như là mây
đi tìm quên cơn mê này.

Ta đi lang thang trên đồi vắng, qua rừng sâu cho tâm hồn hết âu sầu
Không còn nhớ, không còn thương
bóng người xưa quên thề cũ
Không còn nhớ, không còn thương
mối tình xưa quá bẽ bàng.

Một mình một bóng, đời mình, một mình một bóng
chênh vênh lạc loài, bóng ai còn đi
Rồi ngày nào đó, một ngày, rồi ngày nào đó,
không ai kêu ta, có ai gặp ta.

Ta đi bơ vơ bên ghềnh đá, trên sườn non
chân ngựa hoang bước mơ hồ.
Ta đi rong chơi bên bời suối, theo bầy nai
đi tìm quên cơn mê này.

Ta đi lang thang quên ngày tháng, quên trần gian
quên nhân tình đã quên mình
Xin một sáng trong mùa đông, trên nệm êm lá vàng úa,
không còn nhớ, không còn thương
ta nằm im chết bên đường

Đông Kha (nhacxua.vn)