Bài hát “Hoa Trinh Nữ” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được viết cho mối tình buồn của tác giả cùng với nữ ca sĩ Minh Hiếu, người mà sau đó đã trở thành phu nhân của ông tướng Vĩnh Lộc – “chúa tể vùng cao nguyên”. Vì vậy mà mới có những câu hát xót xa:
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa…
Ca sĩ Minh Hiếu sinh ra trong một gia đình nghèo ở đất Bình Long. Cha cô có một cửa hiệu hớt tóc, là một ngôi nhà liêu xiêu được chắp vá tạm bợ, đồng thời cũng là nơi tá túc của cả gia đình.
Minh Hiếu tên thật là Đỗ Thị Lài, là con gái út trong gia đình có 5 anh chị em. Khi ở cửa hiệu hớt tóc của cha, cô thường hát các bài ca cổ, giọng hát khàn khàn đặc biệt và truyền cảm của Minh Hiếu được nhiều khách của cha tán thưởng. Khi đó, nhạc sĩ Mạnh Giác, tác giả của bài hát Mảnh Tình Thương, đang làm trưởng ban văn nghệ của ty thông tin Bình Long, khi nghe Minh Hiếu hát đã nhận cô làm học trò, đưa về Saigon học nhạc lý với nhạc sĩ Minh Kỳ. Sau đó cô đi hát tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng ở đường Yên Đỗ, như cá gặp nước, Minh Hiếu nhanh chóng vụt sáng với tình khúc “Không bao giờ ngăn cách”, “Quen nhau trên đường về” và nhiều ca khúc khác của Trần Thiện Thanh.
Trong làng văn nghệ trước 1975, ai cũng biết câu chuyện tình đẹp giữa Minh Hiếu và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Có nhiều ca khúc Trần Thiện Thanh viết riêng dành tặng cho Minh Hiếu. Cô có nhan sắc mặn mà và có vẻ ngoài của một ngôi sao điện ảnh, khuôn mặt tựa diễn viên Elizabeth Taylor của Hollywood, nên đã làm say đắm nhiều nhạc sĩ, trong đó có cả Lam Phương.
Minh Hiếu thời xuân sắc
Ít người biết bài nhạc vàng lãng mạn nhất là Biển Tình được nhạc sĩ Lam Phương viết tặng Minh Hiếu. Trong một lần biểu diễn văn nghệ chung ở Nha Trang, Lam Phương rủ Minh Hiếu ra bãi biển sau buổi hát để ngồi tâm sự, rồi khi ra về, ông đã viết nên một câu chuyện tình yêu đẹp: “Vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta, vượt ngàn hải lý cũng không xa…”
Hai bài nhạc vàng khác mà Lam Phương viết tặng Minh Hiếu đều rất nổi tiếng là Biết Đến Bao Giờ và Em Là Tất Cả. Chuyện tình đơn phương này có thể gói gọn trong một câu của bài hát: Ta quen nhau bao lâu, nhưng tình đã có gì đâu…
Trở lại chuyện tình của Minh Hiếu và Trần Thiện Thanh, lúc đó cả hai mới ngoài 20 tuổi. Tình yêu vừa chớm nở giữa hai người nghệ sĩ thì vào năm 1965, Minh Hiếu lọt vào tầm ngắm của tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh Vùng 2 và được mệnh danh là “Chúa tể cao nguyên”. Việc Minh Hiếu trở thành phu nhân chính thất của ông tướng Vĩnh Lộc đã được thêu dệt thành những câu chuyện ly kỳ sau này.
Trần Thiện Thanh bị mất người yêu, mối tình tan vỡ, ông đã đau đớn sáng tác thành bài hát Hoa Trinh Nữ nổi tiếng. Nhiều khán giả khi nghe nhạc, nếu không biết nội tình sẽ nghĩ bài hát đơn thuần là viết về loài hoa mắc cỡ hèn mọn, không hương không sắc màu. Ở đoạn điệp khúc bài Hoa Trinh Nữ là:
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa, không nệm gấm, không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà
Thấy hoa nhớ người yêu rất xa…
Đây là câu hát nhằm nhắc tới ông tướng Vĩnh Lộc, vốn được xem là ông vua một cõi, nổi tiếng là thích phô trương, tiền hô hậu ủng với “ngọc ngà kiệu hoa”. Trần Thiện Thanh tự nhận chỉ là một anh lính bình thường, thích yêu một người yêu bình thường “biết xếp lá ngây thơ”, chứ không phải là nàng hồng kiêu sa hay cúc vàng tươi. Trần Thiện Thanh như cũng có ý oán trách Minh Hiếu khi ví với loài hoa dạ lý “bán hương thơm”. Thời điểm năm 1965, lúc mối tình tan vỡ, Trần Thiện Thanh vừa tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan và làm việc trong bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH, nếu so với tướng Vĩnh Lộc thì chỉ là một quân nhân hèn mọn.
Về cách ứng xử của vị tư lệnh quân đội, tướng Vĩnh Lộc bị nhiều tai tiếng. Nhưng với cuộc hôn nhân với ca sĩ Minh Hiếu, tình yêu của ông dành cho nữ ca sĩ là chân thật, đôi khi là thái quá làm ảnh hưởng đến cuộc đời binh nghiệp. Sau khi kết hôn, ca sĩ Minh Hiếu rời sân khấu trong lúc hào quang đang chói sáng. Họ đã gắn bó với nhau đến trọn đời. Thời gian ở hải ngoại, ca sĩ Minh Hiếu ít xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc vì phải dành thời gian chăm sóc chồng đau yếu.
Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi hoa Trinh Nữ
Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn
Như hoa Trinh Nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta
Xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn
Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao
Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương sắc màu nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà, thấy hoa nhớ người yêu rất xa
Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say
Ngỡ đôi mi gầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái
Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương
Và mơ ước mai sau khi tan giặc nước vua về
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành Trinh Nữ thôi
Đông Kha