Huế - mảnh đất của văn hóa, của tâm linh. Cái vẻ trầm mặc, ưu tư của thành cổ và lối sống bình lặng của chốn cố đô đã tạo nên một phong chách – phong cách Huế. Người Huế đa số theo đạo Phật. Tư tưởng Phật giáo như thấm sâu vào cách sống, lối sống và tâm hồn.
Trịnh Công Sơn (1939-2001), ông sinh tại Đắc Lắc, lúc nhở ông sống ở Huế, trưởng thành ở Đà Lạt, Quy Nhơn, Sài Gòn. Có thể nói, Đắc Lắc cho ông một tính cách cô đơn, mãnh liệt; Đà Lạt nuôi thơ và tâm hồn mộng mị; Huế mang đến một không gian buồn bã, lắng đọng. ở Huế, TCS theo học các trường Lyceè Francais, Provindence Huế, sau vào Sài Gòn học triết ở trường Tây Lyceè J.J Rousseau Sài Gòn. Triết học là chìa khóa duy nhất giải mã cho tâm hồn người thanh niên non nớt này về cuộc sống, bản thân, đặc biệt về Phật giáo. Chính TCS khi trả lời phỏng vấn các nhà báo cũng đã từng nói: “Huế và đạo phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và tình cảm của tôi.” Trong dòng ca khúc của TCS, có thể thấy rõ quan niệm sáng tác qua từng giai đoạn: Dòng ca khúc trữ tình, dòng ca khúc chống chiến tranh (phản chiến), và dòng ca khúc âm ỉ thứ ba: giải thoát bản ngã. Ca khúc trữ tình là phần nghiêng trong sáng tác của TCS, đặc biệt là vào thời kỳ trước 1975, trong số 400 bài được xuất bản và phổ biến. Ở những ca khúc đầu tay, thời gian được xóa nhòa trong cõi mộng, gờn gợn thứ âm nhạc liêu trai, một chút cô đơn, một ít tuyệt vọng và chưa thể hiện rõ tư tưởng Phật gióa trong những sáng tác của mình. Cuộc sống nhiều cọ sát đã mang đến cho ông thêm những triết lý về cuộc đời để những ca khúc trở nên bớt gập ghềnh hơn, sâu sắc hơn và những nhạc phẩm mà ông tạo ra trong giai đoạn sau đã có sự hội tụ giữa Đạo và Tình. Triết lý nhà Phật thấm sâu trong tâm hồn, trong tư tưởng với những xúc cảm giữa đời thường đã được nhạc sĩ gửi gắm trong những ca khúc của mình. Điều đó thể hiện qua cái nhìn về cuộc đời, về con người, về tình yêu.
Phật giáo – một trong ba tôn giáo lớn của thế giới, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội của người Phương Đông. Phật giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo thể hiện tín ngưỡng con người mà còn thể hiện tư tưởng triết học qua cái nhìn và cách lý giải về con người, về đời sống, về xã hội. Ở Việt Nam, Phật giáo được truyền vào rất sớm, từ thế kỷ I và II, đến thời Lý – Trần (thế kỷ X và XIV) Phật giáo đã là quốc đạo, từ triều Lê đến triều Nguyễn (thế kỷ XV đến XIX) Phật giáo không còn ở địa vị quốc đạo nhưng chỗ đứng của Phật giáo vẫn còn vững chắc trong đời sống con người Việt Nam.
Tư tưởng triết học trong Phật giáo thể hiện quan niệm về thế giới, về con người. Triết lý Đạo Phật cho rằng: Thế giới này là thế giới vật chất, biến đổi không ngừng (vô thường) và mỗi sự vật hiện tượng đều bị chi phố bởi quy luật Nhân – Duyên, Sắc – Không là hai dạng tồn tại của vật chất, thời hạn, thời gian, không gian là vô cùng, vô tận. Quan niệm này được bộc lộ ở hai phạm trù vô ngã, vô thường. Về con người, Phật giáo cho rằng: “Đời người là bề khổ”. Khổ đau là vô tận và tuyệt đối. Phật ví sự khổ của con người bằng hình ảnh “nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển”!
Phạm trù vô ngã của triết học Phật giáo chưa đựng tư tưởng biện chứng mối quan hệ giữa tồn tại và không tồn tại. Xét từ góc độ cảm tính, đặt trong sự so sánh giữa cái hữu hạn và cái vô hạn thì quan niệm Phật giáo cho rằng cái hữu hạn không tồn tại, cái vô hạn tồn tại. Nếu xét từng mối quan hệ so sánh với các giá trị khác thì sự tồn tại của các sự vật hiện tượng cảm tính chỉ là vô cùng nhỏ bé về mặt không gian và thời gian. Phải chăng vì thế mà ca khúc của TCS – lời thương cho thân phận ngắn ngủi của kiếp người sao mà đau đáu đến da diết, buồn thương đến tuyệt vọng?! Những ca khúc phản chiến của TCS đã thể hiện cái không khí chết chóc, đau thương của chiến tranh, sự ngắn ngủi của kiếp người, cái bấp bênh của thân phận. Những giọt nước mắt, những cái chết bi thương, những nỗi đâu không gì bù đắp được thể hiện trong ca khúc Da vàng. Tuy nhiên, lời thương cho thân phận làm người trong những ca khúc Da vàng là lời thông cảm, yêu thương dành cho những nạn nhân trong chiến tranh. Đó là thân phận con người trong chiến tranh loạn lạc nói riêng. Còn những ca khúc trữ tình của TCS lại nói về nỗi đau khổ chung của con người khi hiện hữu giữa cuộc đời này. Dù sự hiện hữu ấy thật ngắn ngủi. Ngay trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi của kiếp người thì tình yêu lại càng ngắn ngủi. Tính đến và đi như một cánh vạc cuối trời, vụt hiện, vụt mất. Tình có, tình không như những cơn mưa cuối chiều muộn mằn, vội vã. Một điều ta cảm nhận được từ nhạc Trịnh chính là tình thì hư vô mà nỗi đau lại rất thật; tình không tồn tại mà xót xa ngậm ngùi lại hiện hữu rõ ràng: Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi! Những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa (Tình xa); hoặc Tình yêu như thắp sáng con tim tật nguyền. Tình lên êm đềm rộn ràng nhưng chóng quên, vội vàng nhưng biến nhanh. Tình mong manh như nắng (Tình sầu). Giống như Rabindranath Tagore (1862-1941) nhà thơ lớn, nhà văn hóa lỗi lạc của Ấn Độ đã so sánh tình yêu là những gì rất mênh mông bất tận nhưng lại vô hình: Em ơi, đời anh là một trái tim/ Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó/ Em là nữ hoàng của vương quốc đó/ Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu. Và TCS cũng đã so sánh tình yêu như nắng, như gió hay như một đóa quỳnh nở muộn giữa đêm. Tất cả đều rất đẹp nhưng lại khó nắm bắt và vội qua mau. Ở đây cái hữu hạn không tồn tại là tình, còn cái vô hạn luôn tồn tại là nỗi sầu mênh mang. Chính cái đẹp đã được thăng hoa từ nỗi mất mát, từ cái không tồn tại của tình yêu. Và vô ngã chính là nguyên nhân dẫn đến “vô thường”. Theo quan niệm của nhà Phật thì thế giới luôn vận động, biến đổi không ngừng. TCS dường như đã thấu hiểu điều đó và hiểu rằng tình vụt mất vì con người, lòng người luôn biến đổi. Vì thấu hiểu nên bao người đã đến rồi đi qua cuộc đời, không còn gì, có chăng chỉ một vết xước trong trái tim rớm máu. Thế nhưng, không một lời hờn trách dù còn muôn trùng nỗi nhớ: Em đi biền biệt trùng quá. Từng cơn gió và từng cơn gió. Em đi gió lạnh đến xa bờ. Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ (Còn ai với ai). Hiểu được quy luật của thế gian này, tình yêu này thì oán trách đâu có nghĩa lý gì. Đối với nhạc sĩ, tất cả chỉ là những Vết thương hồn nhiên, trong nỗi đau tình cờ. Vì thế dù em đã xa nhưng em Hãy cứ vui chơi cuộc đời, đừng cuồng điên mơ trăm năm sau, còn đây em ngọt ngào đứng bên này yêu dấu.
Được mất là lẽ thường, không có gì tồn tại mãi mãi và cũng đừng ảo tưởng về sự bất biến của lòng người. Vậy nên, em không cần bận bịu gì vì để lại sau lưng cuộc tình một tâm hồn hoang vu, một cõi lòng tan nát mà vẫn đầy thương mến. Tình thương mến ấy như bao trùm lên cả khoảng cách của sự chia xa, của nỗi đau ẩn giấu trong tâm hồn để Ru em dù đã chia xa. Ru em tình nghĩa vu vơ. Yêu em yêu thêm tình phụ. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). Em và tình như đóa hoa vô thường nên cho dù đã chờ ở kiếp trước, đã hẹn ở kiếp này nhưng chia xa vẫn không thể tránh khỏi. Tình đến, tình rộ rồi tình tàn lụi, héo rữa và chết đi cũng là chu trình “Thành, trụ, hoại, không” như đời người “Sinh, lão, bệnh, tử”. Mất đi để đầu thai kiếp khác. Tình chết đi để tái sinh cuộc tình mới. Cái còn thì chẳng còn, cái mất thì chẳng mất. Tình cũng như thế giới này, sinh sinh diệt diệt, biến chuyển không ngừng. Đã là quy luật thì cưỡng lại sao lời cảm tạ: Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời đã đưa em về chốn này (Tạ ơn); hãy cùng bước đi cho bình minh đang tới, cho đời chút ơn biết tà áo nọ. Em là đóa hoa cho đời sắc hương, là lời hát ca cho trần gian (Cho đời chút ơn) và Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời. Em đã cho tôi thêm yêu loài người (Em đã cho tôi bầu trời). Sẽ có người cho rằng: Nếu nhạc sỹ họ Trịnh không oán trách người tình sao những ca từ lại ảo não, đau đớn đến như vậy Tình réo, tình âm thầm, sầu réo sầu bên bờ vực sâu hoặc Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dại, tình không môi cười hay Xin vỗ tay cho đều khi đêm đổ xuống đời ta. Xin vỗ tay cho đều khi tình tôi đã trôi xa và Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi. Đã có người cho rằng: Âm nhạc của TCS chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Đã là chủ nghĩa hiện sinh thì con người bao giờ cũng cô đơn, thấy cuộc đời mình “như thừa ra”, xã hội như không có nhu cầu gì về sự tồn tại của mình, con người không đối tượng hóa được nên cuộc đời thành vô nghĩa. Đó là nỗi đau khổ của con người. Điều đó cũng chưa hẳn, tuy ít nhiều nhạc sỹ họ Trịnh chịu ảnh hưởng của Albert Camus khi tự ví mình là phận cỏ hèn: Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do hoặc Sống chết mong manh như thân cỏ hiền mọc đầy núi non. Tuy nhiên, TCS cũng không cho rằng “mình là người thừa ra”, mình không đứng ngoài lề của cuộc đời này và nỗi buồn thương, sầu khổ và tuyệt vọng cũng không phải lời tách cứ, không phải là nỗi niềm nuối tiếc. Đó là tiếng lòng yêu người và đó là bể khổ, bể khổ của cõi tình. Bản chất con người là khổ mà yêu lại càng khổ. Khổ không phải vì bị phụ lòng, khổ không phải vì mất tình yêu mà khổ vì còn là người và còn yêu, mãi yêu. Tránh sao được cái khổ của đời, của tình? Thế nên, tốt nhất là đối mặt với nó, gặm nhấm nỗi cô đơn muộn phiền bên bãi đời hiu quạnh, trên lòng đường buồn tênh, trong bóng đêm heo hút, giữa tường trắng lặng câm.
Những tình khúc của TCS là sự kết hợp giữa triết lý nhà Phật và trái tim yêu người của ông. Vì đời là tình, người là tình nên quan niệm nhân sinh của ông cũng kết tinh trong chữ Tình. Đời người hư vô thì tình cũng là hư vô, đời người ngắn ngủi nên tình cũng thật ngắn ngủi. Thế giới này luôn biến đổi thì tình cũng luôn thay đổi, đời là bể khổ thì tình cũng là bể khổ. Hai yếu tố Đạo và Tình đã gắn kết với nhau, nhạc sĩ nhìn tình yêu của cuộc đời bằng tư tưởng nhà Phật để tạo nên những tác phẩm bất hủ. Vậy nên, ta thường bắt gặp trong những tình khúc của ông quy luật bất biến của thế giới này theo quan niệm nhà Phật – “Gọi tên bốn mùa” là một ví dụ điển hình. Bài hát bắt đầu từ sự luôn chuyển của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông để thấy được sự luôn chuyển của cuộc đời, của tình yêu và thấy được từ khi tình yêu đến cho đến lúc tựa cánh chim bay. Để rồi kết thúc nhạc phẩm là một lời ai oán não nề Trẻ thơ ơi! Trẻ thơ ơi! Tin buồn từ ngày mẹ cha mang nặng kiếp người.
Trong ca khúc “Ngẫu nhiên” nhạc sỹ đã lý giải sự hiện hữu của con người và vạn vật của cuộc đời này là ngẫu nhiên mà mỗi chúng ta cũng không biết được điểm đến, điểm dừng, điểm đi của thân phận mình Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên và có đâu bao giờ, đâu có chết sau cùng. Hòn đá lăn bên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng qua đời. Người ôm lấy muôn loài nằm trong tiếng bi ai. Cuộc sống ngẫu nhiên còn cái chết là tất nhiên nên con người với cuộc đời này chỉ là “Ở trọ”: Tôi nay ở trọ trần gian, bâng khuâng vì những đôi mắt rất hồng. Cũng từ quan niệm ấy mà nhạc sỹ đã hiểu điều trong Kinh thánh viết “cát bụi lại trở về với cát bụi”: Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày. Phải! Trăm năm rồi cũng kết thúc bởi thân phận con người là thế. Cái chết là lẽ tự nhiên, là một cõi đi về của đời người, vì thế Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra ô nắng lên rồi (Bên đời hiu quạnh). Chỉ một câu hát mà chứa đựng biết bao nguồn cảm xúc. Lòng không buồn bởi lẽ sinh tử là chuyện thường tình, thế nhưng lệ rơi vẫn thể hiện sự gắn bó, yêu thương đối với trần thế và thoát khỏi cơn mơ thấy màu nắng lên vẫn hy vọng đợi chờ vào một ngày mai. Dù rằng, đối với tư tưởng Phật giáo thì muốn thoát khỏi bể khổ con người phải hướng tới nghiệp lành, diệt trừ nghiệp ác. Ở nhạc Trịnh khổ cũng là tình mà sự cứu rỗi, giải thoát cũng chỉ là tình. Tình là một cõi đi về của bước chân vô định mà nhạc sỹ họ Trịnh đã bước trên cõi đời này. Dù phiêu du một đời, dù không còn ai, dù có đêm thấy mình là thác đổ, dù có lúc giật mình vì chiếc lá thu phai, thì bên bước chân của kẻ lữ hành cô độc ấy vẫn là tình. Tình đối với người, đối với đời. Nhạc Trịnh buồn, nhiều ý kiến cho rằng sướt mướt, rên rỉ nhưng xét cho cùng thì: Nếu không yêu cuộc đời này thì sao phải buồn khi xa nó? Nếu không yêu người thì sao phải sầu héo khi xa người? Nếu không thương kiếp đời người thì sao phải buồn thương cho số kiếp làm người? Điều mà trong quan niệm nhà Phật tâm niệm và được thể hiện qua nhạc Trịnh là tình yêu thương dành cho con người. Đó chẳng phải là chiều sâu của tính nhân bản sao? Và phải chăng là lý do mà mỗi người trong chúng ta ai ai cũng từng cất tiếng hát hoặc thấy ngân nga trong hồn giai điệu của một Diễm xưa, tình xa hay Một cõi đi về.
Khi nói về nhạc tình của TCS, người đời gọi ông là “kẻ du ca về phận người”, “sứ giả của tình yêu”, “người hát rong của thế kỷ XX”, hoặc như Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn, một nhà phê bình văn học, một con người xứ Huế, một người bạn gắn bó với Trịnh Công Sơn đã từng cho rằng; khỏi phải e ngại rằng TCS định làm triết lý thay vì âm nhạc. Điều mà Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn nói tới: TCS muốn “mượn” âm nhạc để thể hiện những quan niệm, tư tưởng của mình về cuộc đời, về con người. Nhưng chưa hẳn như vậy, nhạc của TCS được thăng hoa từ những cảm xúc yêu thương từ những nỗi đau ngọt ngào vì con người, vì cuộc sống mà ẩn chứa trong đó là cái nhìn mang tính triết lý, triết lý của nhà Phật…
Những tư tưởng triết lý của Phật giáo đã vượt qua giới hạn của một tôn giáo để đi vào đời sống xã hội và tâm thức con người. Không chỉ những tín đồ Phật giáo mà cả những người bình thường cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng ấy trong cách nghĩ, cách sống, cách ứng xử. Nhạc tình của TCS do ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo nên tình thương đối với con người rất sâu sắc, tấm lòng của con người đối với con người đã trở nên rất nhân hậu, bao dung. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” - Phải chăng đó là cái tâm theo quan niệm của Đạo Phật. Với nhạc TCS những tư tưởng triết lý ấy được nói lên tự đáy lòng của ông, từ xúc cảm rất thật của ông trước cuộc đời. Nó không chỉ nói lên những suy nghĩ, những triết lý của ông về cuộc đời mà nó còn nói hộ tấm lòng, suy nghĩ của những mảnh đời ngắn ngủi, những tình yêu chợt hiện, chợt mất. Có thể vì lẽ đó mà nhạc tình TCS đã đi vào lòng người một cách tự nhiên như một lẽ thường tình, và nó còn sống với đời sống tinh thần của nhiều người Việt Nam như sự sống của tôn giáo –Phật giáo.